Giới thiệu nhà thờ

Họ đạo cổ Hạnh Thông Tây

  • Thứ năm, 22:42 Ngày 18/08/2016 .
  • Họ đạo cổ Hạnh Thông Tây

    Nhà thờ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, được nhiều người tán thưởng bởi dáng vẻ cổ xưa và  đường nét kiến trúc Byzantine với các mái vòm hình tròn phía trên Cung Thánh. Một nét thu hút khác nữa là họ đạo vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật và vài sinh hoạt Phụng vụ ngày xưa.

    Bên trong nhà thờ Hạnh Thông Tây

    Ngôi nhà thờ trăm tuổi

    Nếu so sánh với nhiều nhà thờ cổ tại Sài Gòn, nhà thờ Hạnh Thông Tây khá “khiêm tốn” về tuổi đời, được xây dựng vào năm 1921, thời linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức làm cha sở. Ngày đó, toàn bộ chi phí xây cất đều được hai ông bà Denis Lê Phát An và Anna Trần Thị Thơ dâng cúng. Trên ba thửa đất rộng 2,1 mẫu của ông Tổng Giuse Hồ Văn Chua hiến cho nhà thờ trước đó, ông Denis nhờ kiến trúc sư Baader vẽ đồ án, lập bảng kinh phí và đệ trình xin phép chính quyền cùng Tòa Giám mục. Sau khi được Tòa Giám mục chấp thuận, ngôi thánh đường thứ ba của giáo xứ được xây dựng với các kích thước dự kiến dài 40m, rộng 14m, cao 16m, vòm tròn cao 20m, tháp chuông cao 30m.

    Bức hình Chúa Giêsu chịu nạn trên vòm cung thánh

    Trong thời gian xây cất, ông Denis thường xuyên lui tới trông nom, hủy hợp đồng với nhà thầu Baader, ký hợp đồng mới với nhà thầu Lamorte khi nhận thấy việc thi công có vấn đề về mặt kỹ thuật. Sau ba năm, ngôi thánh đường hoàn thiện. Ngày đầu tháp chuông nhà thờ có hình chóp nhọn, nhưng do nơi đây nằm trong đường bay quân sự nên cơ sở Hàng không Đông Dương tại Sài Gòn khi đó đã xin Đức Giám mục J.Cassaigne cho hạ thấp xuống 10m50 (theo công văn ngày 9.6.1952 của kỹ sư cầu đường J.P.Beau gửi ĐGM J.Cassaigne). Giờ đây, tháp chuông có mái bằng (hơi nhô ra một tí để dễ thoát nước), khác với đa số tháp chuông của những nhà thờ khác.

    Phần mộ bà Anna Nguyễn Thị Thơ đặt trong nhà thờ

    Dưới thời các linh mục P.X Nguyễn Ngọc Thu (1975 – 1991), linh mục Đôminicô Võ Văn Tân (1991 – 2005), nhà thờ đã được tu bổ như sửa mái ngói chống dột, thay kính bể... Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là màu sơn nhà thờ. Trước đây, tường có màu xám đen, phần tường bên trong được điểm xuyết bằng chỉ trắng tạo hình những viên gạch xếp chồng lên nhau khiến nhà thờ bị tối. Sau khi họp bàn với HĐMV, cha P.X. Thu đã cho sơn lại màu sáng. Đến thời linh mục Clemente Lê Minh Trung (2005 – 2013), trong lần đại trùng tu nhà thờ vào năm 2012, chỉ để lại một phần màu sơn này, thêm vào những họa tiết trên hai hàng cột trong nhà thờ, 14 chặng đàng thánh giá được phủ màu vàng thay cho màu sáng như trước..., kết hợp với những họa tiết vốn có từ trước giúp nhà thờ hài hòa hơn. Cũng trong đợt trùng tu này, màu sơn bên ngoài được đổi thành màu tro hơi xanh như hiện tại, phù hợp với màu sơn của ngôi nhà thờ phụ được khánh thành hai năm trước đó.

    Nét cổ nơi xứ cổ

    Ở nhà thờ Hạnh Thông Tây, điểm nhấn của kiến trúc Byzantine thể hiện qua tháp tròn có mái vòm đúc hình bán cầu duy nhất phía trên Cung Thánh. Bên trên mái vòm là tháp nhỏ hình chóp nhọn để lấy ánh sáng. Tường ngoài là những mảng trơn được đắp gờ, chỉ trang trí kết hợp hoa văn, phù điêu đơn giản bằng thạch cao. Chân tháp chuông được xây bằng đá tảng, bên trong là một bộ chuông gồm ba cái mang ba âm khác nhau, được hãng Paccard nổi tiếng của Pháp đúc năm 1925.

    Sổ sách được lưu giữ từ những năm 1990

    Khác với bề ngoài trông đơn giản, nội thất nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, thể hiện qua những chi tiết trang trí tỉ mỉ, cầu kỳ. Nổi bật là mái vòm dọc theo chiều dài nhà thờ được ghép từ những phù điêu hoa văn hình vuông thành những ô trống, y nguyên như hình dạng ban đầu, trừ những tấm lợp phía trên cung thánh đã được tu sửa bằng cách vẽ thêm những đường chỉ màu vàng. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, đó còn là kỹ thuật kết hợp với tiếng vọng lại từ mái vòm giúp cho âm thanh trở nên trầm lắng, ấm cúng hơn. Dọc hai bên là hai hàng cột với họa tiết tinh xảo trên phần đầu. Giữa các cột cũng sử dụng hình thức kết cấu dạng vòm. Xen kẽ giữa những ô cửa sổ kính màu sặc sỡ là những bức phù điêu thếp vàng óng ánh phác họa chặng đường khổ nạn của Chúa Giêsu. Đặc biệt hơn cả là bàn thờ chính và hai bàn thờ phụ (dùng trước Công đồng Vaticanô II, khi linh mục dâng lễ còn quay lên phía trên) đặt tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse được làm rất công phu từ đá cẩm thạch vàng nguyên khối của Ý. Ngoài ra, còn có hai bệ gỗ cùng tượng Chúa Giêsu và Thánh Anna được tạc bằng đá rất nghệ thuật đặt hai bên Cung Thánh. Xung quanh tường và trần được trang trí nhiều bức tranh khảm gạch (theo trường phái Mosaic).

    Trên vòm tròn, ở bốn góc là bức vẽ bốn thánh sử và những họa tiết, chạy dài từ trần nhà thờ xuống tận đất tại hai hàng cột, được giữ nguyên màu sơn và nét vẽ từ ngày xưa. Những bức ảnh và màu sắc dù trải qua gần trăm năm nhưng vẫn sống động và tươi mới. Tuy nhiên, theo nhiều giáo dân trong xứ, điều mà họ thấy tiếc nuối nhất là hình vẽ Chúa Giêsu chịu nạn trên nóc vòm cung thánh. Bức tranh thuộc dạng “hiếm” này đã tạo sự uy nghiêm cho cả gian cung thánh nhưng do tranh gốc bị rong rêu, bạc màu nên từng được vẽ lại chồng lên làm bức tranh cũ làm xấu đi rất nhiều. Cha Trung trong thời gian quản xứ đã cho bóc tách từng lớp sơn cũ để phục chế và bức tranh quý hiện nay được đánh giá là rất gần với phiên bản gốc.

    Trong nhà thờ còn có mộ của ông bà Lê Phát An nằm đối diện nhau. Hai ngôi mộ này (tương tự như mộ ông bà Lê Phát Đạt ở nhà thờ Huyện Sĩ) được làm bằng đá cẩm thạch và hoa cương. Đặc biệt, hai pho tượng chân dung của ông bà Lê Phát An đang quỳ cầu nguyện, được điêu khắc sắc sảo và sống động. Mộ của ông Lê Phát An có tượng bà mặc áo dài quỳ gối dâng bó hoa và cầu nguyện cho ông, còn bên mộ bà có tượng ông mặc áo dài quỳ phục dâng bó hoa và cầu nguyện cho bà. Trước đây, nhà thờ có cầu thang để đi xuống nhà mồ của hai ông bà nhưng nay đã được bịt lại.

    Ngoài những đồ vật trong phụng vụ đã có từ thời xây nhà thờ, Hạnh Thông Tây vẫn lưu truyền và duy trì nhiều nét của họ đạo miền Nam xưa, dù hiện nay giáo xứ đã đón nhận nhiều giáo dân nhập cư từ khắp ba miền. Giáo xứ vẫn đọc những kinh cổ Mùa Chay như gẫm 15 sự thương khó Chúa Giêsu hay các kinh được đọc vào mùng một Tết Nguyên đán để Mừng tuổi Chúa, Mừng tuổi Mẹ... Các kinh được các cha sở thời đó, dịch từ tiếng nước ngoài, dùng nhiều từ ngữ cổ pha trộn Hán Nôm nên hơi khó hiểu với người thời nay ... Ngoài ra, sổ sách về rửa tội, thêm sức, hôn phối đều được giáo xứ giữ gìn cẩn thận và đầy đủ từ năm 1900 đến bây giờ. Ông P.X Tiêu Vĩnh Châu, phụ trách Văn phòng giáo xứ cho hay, Văn phòng được thành lập cũng nhằm mục đích bảo quản những sổ sách quan trọng này, và để không bị mối mọt, giáo xứ cũng đang tìm cách bảo quản, riêng mọi thông tin đều đã được sao chép cẩn thận bằng máy tính.

    Việc có một ngôi nhà Chúa cổ kính vừa là niềm hãnh diện nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao của mọi tầng lớp giáo dân Hạnh Thông Tây.  Linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn, quản xứ từ năm 2013 nhận định : “Song song với việc giữ gìn nét cổ kính nơi nhà thờ thì việc lưu giữ nét xưa trong sinh hoạt tôn giáo cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, những kinh cổ ngày nay chỉ những cụ già mới biết đọc, còn lớp trẻ bây giờ hầu như ít quan tâm. Việc bảo tồn vì thế xem ra cũng thật khó, nhưng nếu chính chúng ta không biết chung tay lưu giữ một cách nào đó mà để mai một sẽ mang tội với thế hệ tiền nhân đã công phu làm nên những lời kinh để ta ca tụng Chúa”.

    Ẩn mình giữa khuôn viên thoáng đãng rợp bóng cây xanh, nhà thờ Hạnh Thông Tây vừa lặng lẽ ngắm nhìn những đổi thay nơi dòng đời tấp nập, vừa thả hồn về những kỷ niệm ngày xưa cũ... 

    Đình Quý

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook