Lịch sử giáo xứ

HỌ ĐẠO HẠNH THÔNG TÂY

 

Xứ đạo Hạnh Thông Tây được thành lập năm 1861 do Linh mục Puginier gầy dựng. Ban đầu, chỉ có gia đình ông Phủ Ca và một vài người có quyền thế trong ngôi làng nhỏ có tên là Hạnh Thông Tây xin gia nhập đạo. Sau đó, khoảng 400 người ngoại giáo có của cải và nhà cửa trong làng đến xin học đạo, rồi số người càng lúc càng đông. Lúc ấy, chưa có nơi tụ họp nên một số người khá giả đã ưng thuận hiến tặng ngôi đình thờ làng của họ dựng ngôi nhà nguyện. Thế là ngôi giáo đường đầu tiên hình thành.  

Nhưng ngày xưa, muốn gia nhập đạo thì buộc phải đi học Giáo lý mỗi ngày nên số người hăng hái ban đầu giảm khá nhiều, chỉ còn lại một nửa. Cha Puginier vẫn kiên nhẫn dạy dỗ cho đến khi họ nhận Bí tích Rửa Tội, Giải Tội, Thêm Sức. Sự yên bình trên quê hương đất nước đẽ khiến người dân được thoải mái chọn lựa tín ngưỡng cho mình.

Vì nhiều lý do, từ năm 1865 đến năm 1899 nhà thờ không có linh mục ở cùng giáo dân. Dẫu vậy, trong khoảng thời gian đó vẫn có linh mục từ Nhà thờ An Nhơn đi lại để cử hành Thánh Lễ và ban bí tích cho giáo dân. Quả là đáng tiếc, một họ đạo gồm toàn những người tân tòng mà không có mục tử ở cùng nên cũng có một số đông người bỏ đạo. Thế nên trong khoảng thời gian nửa thế kỷ, số giáo dân từ 300 người mới phát triển thành 600 người mà thôi. Có phải ơn gọi linh mục ngày xưa cần thiết hơn ngày nay hay ơn gọi mục tử ngày nay quý hơn, vì giữa cuộc sống hiện đại vật chất, nhiều hướng lựa chọn, ai dám dấn thân hy sinh thì quả là quý hiếm?

Thăng trầm theo thời gian, nhà thờ đầu tiên do cha Jourdain xây dựng đã được cha Tôma Dưỡng xây cất lại, còn Nhà thờ Hạnh Thông Tây hiện nay được xây vào năm 1921 dưới thời Linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức làm cha sở (1921–1939). Đây là một di tích tôn giáo vừa cổ kính vừa độc đáo. Nhà thờ được xây dựng trên diện tích 560m2, chiều cao là 20m. Ban đầu tháp chuông có hình tháp nhọn nhưng vì đây là vùng có nhiều máy bay quân sự bay qua nên cơ sở Hàng không Đông Dương tại Sài Gòn đã xin Đức Giám mục J.Cassaigne cho hạ thấp tháp chuông  Nhà thờ Hạnh Thông Tây theo văn thư đề ngày 29/10/1953. từ đó tháp chuông có hình vuông.

Bên trong nhà thờ được trang trí bằng đá và gỗ quý. Trên cung thánh có ba bàn thờ, màu sắc hài hòa và thanh nhã vì đều làm bằng cẩm thạch. Mặt bàn thờ là một khối cẩm thạch màu trắng nhưng các chi tiết trạm trổ chung quanh lại là cẩm thạch vàng, có ánh sáng chiếu vào, chúng ánh lên một màu vàng óng. Trần nhà thờ được đúc hình vòm cung có phết nhũ vàng, trên cùng là hình ảnh Chúa Giêsu đang trăn trối trên Thánh giá, nên quanh đó có Đức Mẹ, Thánh Gioan, mấy người phụ nữ và lính canh.

Ngày trước, việc an táng các vị ân nhân trong nhà thờ là hàm ý cộng đoàn biết ơn vị ấy nên không ai ngạc nhiên khí thấy bên cánh trái nhà thờ là mộ phần Ông Denis Lê Phát An, người dâng cúng đất, toàn bộ chi phí xây dựng và đồ dùng trong thánh đường (Ông là con ông Lê Phát An, tức là Huyện Sĩ, là cháu chắt của Thánh Tử đạo Matthêu Lê Văn Gẫm); bên cánh phải nhà thờ là mộ phần của người vợ là bà Anna Trần Thị Thơ, cả hai mộ đều làm bằng cẩm thạch Ý với việc điêu khắc kỳ công.

Thật đáng quý một ngôi thánh đường chứa đựng chiều dài thời gian và cả hành trình đức tin của người giáo dân cùng Gò Vấp này.

 (Theo tài liệu : - Nam Kỳ Địa phận, trang 677, năm 1917.

 - Bài giảng Chúa nhật số tháng 09/2009 của TTGM tp.HCM)

 

Phục vụ lời Chúa

Sun
Mon
Tue
Wed
Thu
Fri
Sat
1

2

3

4

5

6

7

8

9

Kết nối facebook