Bài giảng

HÃY NÊN HOÀN THIỆN (CN VII TN-C)

  • Thứ năm, 18:52 Ngày 21/02/2019 .
  • HÃY NÊN HOÀN THIỆN (CN VII TN-C)

     

    Khổng Tử ngày xưa dạy học trò: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn, đừng làm cho người khác – xc. sách “Luận ngữ – Chương Nhan Uyên”). Câu này ngụ ý: Nếu mình không muốn người khác đối đãi với mình thế nào, thì bản thân mình cũng không nên đối đãi với người khác như thế. Quan hệ qua lại giữa người với người thực sự cần phải kiên trì nguyên tắc này, đó là thể hiện lòng tôn trọng người khác, bình đẳng đối xử. Cùng một ý nghĩa như vậy, nhưng mang tính tích cực hơn, là Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô trong bài Tin Mừng hôm nay (CN VII TN-C – Lc 6, 27-38): “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”

     

    Chúa Giê-su không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Người đến trước hết là để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Chúa Giê-su cho biết không hề có sự cách biệt giữa “mến Chúa” và “yêu người”, vì đó là hai khía cạnh của một điều răn duy nhất: điều răn “Yêu thương”. Vì thế, người tín hữu không thể hẹp lòng với tha nhân, kể cả với kẻ thù, mà vẫn nghĩ rằng mình mở lòng với Thiên Chúa. Hẹp lòng với tha nhân cũng là hẹp lòng với Thiên Chúa.

     

    Các mối phúc đã phác họa dung mạo người môn đệ Chúa Giê-su, biết chấp nhận những thua thiệt trong cuộc đời và bị bách hại về thể xác cũng như tinh thần vì họ muốn sống theo giáo lý của Người. Phản ứng tự nhiên của người bị bách hại là không thể đội trời chung với kẻ thù đã bách hại mình, chứ nói chi tới việc yêu thương kẻ thù. Thật thế, Kinh Thánh Cựu Ước đã chứng minh: “Luật báo phục tương xứng: Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Đệ nhị luật 19, 21). Có lẽ vì thế mà Tin Mừng Lu-ca đặt vấn đề yêu thương kẻ thù ngay sau các mối phúc, coi như một điều kiện căn bản để có thể sống những mối phúc nói trên.

     

    Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục quảng diễn những mối phúc bằng những trường hợp cụ thể rút từ lối sống của người đời và đòi hỏi người môn đệ phải sống ngược lại lối sống ấy thì mới nói lên được căn tính của người đi theo Chúa. Lời dạy của Đức Ki-tô về hạnh phúc đi ngược lại não trạng con người ngày nay rất nhiều. Cũng không hẳn là ngày nay, mà ngay cả ngày xưa thì “não trạng con người” cũng không chấp nhận: Điển hình là khi nghe Đức Ki-tô giảng dạy thì cả đến những môn đệ, người thân cận, đồng hương với Người cũng phát biểu “lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6, 60); “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4,  28-29).

     

    Bình thường ai cũng yêu kẻ yêu thương mình, ghét kẻ thù mình. Không ai muốn nhìn chứ đừng nói là yêu kẻ thù. Đời có vay có trả vì ân oán giang hồ, không ai có thể xây dựng tình yêu với kẻ thù. Bởi thế chỉ có hủy hoại, chết chóc, chém giết, giận hờn; không thể đội trời chung với kẻ thù. Đối nghịch với thói đời khi nói “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6, 27), Đức Giê-su đã đụng tới một điểm yếu sâu xa nhất của lòng người. Không ai có thể chấp nhận được một khuyên nhủ xa rời thực tế như vậy; nhưng đó lại là đặc điểm trổi vượt nhất của Tin Mừng Cứu Độ. Không chấp nhận đòi hỏi đó, không thể trở nên môn đệ Đức Ki-tô.

     

    Đức Giê-su không dạy cách nhận dạng kẻ thù; nhưng muốn người tín hữu nhận dạng người anh em ngay giữa những kẻ thù đang tìm cách hãm hại mình. Đó là một nghịch lý, nhưng Tin Mừng thường được hình thành giữa những nghịch lý như thế (“Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.” – Lc 6, 28-29). Tin Mừng không phải là một thứ văn chương hoa mỹ nhằm thỏa mãn thị hiếu người đọc, người nghe; mà đặt vấn đề rất khó nghe, nhưng có sức thuyết phục, thức tỉnh lòng người. Đức Giê-su muốn lôi con người thoát khỏi giấc ngủ mê ngàn năm trong cảnh thù hằn, hãm hại. Người muốn con người đối diện với kẻ thù bằng một thái độ cao cả. Đó là một vấn đề hóc búa nhất; nhưng nếu không giải quyết được vấn đề đó, Tin Mừng cũng chẳng có sức mang lại ơn cứu độ.

     

    Khi vấn đề kẻ thù đã được giải quyết bằng tình yêu thương lớn lao, tình yêu trở thành sức mạnh vô song. Lịch sử Giáo hội cho thấy Thầy Chí Thánh Giê-su đã vạch ra con đường dẫn người tín hữu vào sự sống đích thực, bình an và hạnh phúc. Muốn đạt đến mục tiêu lớn lao đó, người Ki-tô hữu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cần phải đi bước trước (trước khi rao giảng, hãy thực hành Lời Chúa). Chính Thầy Chí Thánh đã nêu gương thực hiện khi bị treo trên thập giá: Thầy đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết mình. Còn hành vi nào vô ân và độc ác bằng việc giết Chúa không? Sở dĩ Thầy làm được như thế, vì Thầy đã noi gương Chúa Cha là đấng nhân từ (“Chúa Cha nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” – Lc  6, 35-36). Chính ở hành vi tha thứ, Đức Giê-su cho thấy tình yêu Thiên Chúa là sức mạnh vô song, cao vời khôn ví.

     

    Tóm lại, việc yêu thương kẻ thù là một việc vô cùng khó khăn, nhưng càng khó người tín hữu càng phải cố gắng thực thi, vì đây là giới luật Chúa Giê-su đã truyền dạy: Muốn trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa, muốn nên hoàn thiện, không còn cách nào khác ngoài cách sống “yêu thương và tha thứ”. Một tấm gương vĩ đại là chính Phao-lô – người đã từng bách hại những người theo Ki-tô – đã được chữa lành khỏi căn bệnh “mù nội tâm”. Chính ngài đã dạy cho tín hữu Rô-ma, và nói chung là giảng dạy cho mọi người biết: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật.” (Rm 13, 10). Ước được như vậy.

     

    Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN VII.TN).

     

    JM. Lam Thy ĐVD.

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook