Bài giảng

“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết”(Pl 4,12).

  • Thứ bảy, 11:52 Ngày 14/10/2017 .
  •  

    “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết”(Pl 4,12).

     

    Cuộc sống nhân sinh, con người phải làm lụng vất vả, khi đói, khi no; khi thì dư giả, khi thì thiếu thốn. Người mà “trong mọi hoàn cảnh no hay đói; dư dật hay túng bấn; sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được(x.Pl 4,12), không có nhiều. Điều này không phải ai ai cũng có thể sống được. Ta chỉ có thể sống được như thế khi nhờ ơn sức mạnh Chúa ban và ta phải luyện tập. Phải luyện tập từ nhỏ, luyện tập hàng ngày và luyện tập mãi mới được. Tập làm sao cho mình có thói quen, thành một nhân đức. Nhân đức chịu đựng.

     

    Ta chịu đựng cảnh no đủ, cảnh dư dật thì được chứ chịu đựng cảnh đói nghèo, cảnh thiếu thốn thì hơi khó. Thế nhưng trong cảnh đói nghèo; trong cảnh thiếu thốn mà mà chịu đựng được mới là giỏi, mới có ích lợi. Vì khi ĐÓI ta mới biết NO là gì. Khi NGHÈO ta mới biết GIÀU là gì. Khi THIẾU THỐN ta mới biết quí từng đồng tiền, từng hạt gạo; để khi no đủ ta không tự mãn; khi dư dật ta không phung phí.

     

    Có nghĩa là ta sống thiếu thốn cũng được mà ta sống dư dật cũng được. Ta biết cách sống; biết tiên liệu và biết phòng thân; biết tấn công mà cũng biết phòng thủ. Người chỉ biết tấn công mà không biết phòng thủ thì thua là cái chắc, vì người ta đâu dễ để cho mình thắng. Người không biết tiên liệu sẽ sài xả láng, có lúc sẽ cháy túi. Người không biết phòng thân, có ngày sẽ đi ăn mày. Do đó ta phải tập làm sao để có ít không thiếu, có nhiều cũng không dư. Muốn vậy ta phải : có ít xài ít, có nhiều xài nhiều, không có khỏi xài.

     

    Có ít mà ta xài nhiều thì của đâu cho ta xài; có nhiều ta xài nhiều chứ không phải xài hết; không có khỏi xài, không phải đi vay, đi mượn. Vì đi vay, đi mượn thì cũng phải trả cho người ta chứ. Ông bà ta nói: “Liệu cơm gắp mắm” mà. Đó không chỉ là sự khôn ngoan của con người mà còn là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Không chỉ có sức riêng của ta, mà còn có sự trợ giúp của Chúa nữa.

     

    Sống được như thế là ta chẳng nghèo, mà cũng chẳng có giàu, hằng ngày dùng đủ; lúc nào cũng đủ, cũng vừa; không thiếu, không dư. Tại sao ta phải tập sống như vậy ? Vì ta không sống mãi ở đời này.

     

    Ta còn hy vọng sống sự sống đời đời ở trên thiên đàng nữa. Ta hy vọng sẽ dự tiệc cưới của Con Thiên Chúa trên thiên đàng nữa. Thế nhưng ai sẽ là người vào Nước Trời để dự tiệc cưới đây?

     

    Những người lo đi thăm trại, lo đi buôn bán, lo làm giàu; lại vì tiền, vì của mà hiếp đáp người này; làm hại người kia, chắc chắn sẽ không được vào Nước Trời dự yến tiệc rồi. Trong dụ ngôn “Một Vua kia mở tiệc cưới cho con mình”, sau khi những người kia đã không thèm tham dự, Nhà Vua đã ra lệnh cho các đầy tớ: “Các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”(x.Mt 22,9). Điều đó có nghĩa là bất luận tốt xấu, ai cũng “BỊ” ép vào dự tiệc cưới.

     

    Đó là ý của Chúa, Ngài muốn cho mọi người được vào Thiên Đàng dự tiệc cưới, dù tốt hay xấu. Như thế nghĩa là gì ? Người tốt thì OK; còn người xấu thì sao? Đã có một người Nhà Vua thấy không mặc áo cưới. Anh ta bị “trói chân trói tay và bị quăng ra bên ngoài, ở đó phải khóc lóc và nghiến răng”(x.Mt 22,12).

     

    Người xấu là người không mặc áo cưới, nghĩa là chưa ăn năn hối cải, chưa đền bù những gì mình đã gây và làm thiệt hại cho người khác. Có cố gắng tìm cách vào, cũng bị ném ra ngoài thôi. “Kẻ được mời thì nhiều, kẻ được chọn thì ít”(x.Mt 22,14). Nghĩa là Chúa mới tất cả, mời nhiều, nhưng không có mấy ai được vào. Lên thì nhiều nhưng vào thì ít. Vì không đủ tiêu chuẩn.

     

    Điều đó được ví như “Lên núi”. Chúa thiết đãi một bữa tiệc trên núi”(x.Is25,6). Lên núi dự tiệc, nhưng trên núi có nhà, có phòng ăn để đãi tiệc chứ không ăn ngoài trời. Lên núi thì được nhưng có vào được trong phòng để ăn tiệc không mới là quan trọng. Cũng vậy, lên trời nhưng có vào được thiên đàng không lại là chuyện khác. Giống như đi thi thì nhiều, nhưng đậu đâu được bao nhiêu.

     

    Ai là người có đủ tư cách để vào thiên đàng ? Đó là người như thánh Phao-lô nói, “Với sức mạnh Chúa ban, biết chịu đựng được hết”, dù dư hay thiếu; dù đói hay no. Đó là người nghèo mà không than; giàu mà không lên mặt. Đó là người thiếu thốn không kêu; dư dật không phung phí. Đó là người đói không làm càn, làm bậy; no không “rửng mỡ”, ta đây. Họ luôn sống theo lời Chúa dạy, không bám víu vào tiền của đời này, nhưng biết dùng đời này để lên trời và vào thiên đàng.Vậy ta hãy cố gắng tập sống cho quen trong mọi hoàn cảnh nhờ sức mạnh Chúa ban. Vì người lên trời thì nhiều nhưng vào thiên đàng thì ít. A-men.

     

    (Lm. Bosco Dương Trung Tín)

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook