Bài giảng

Một Thiên Chúa Ba Ngôi

  • Thứ bảy, 09:19 Ngày 10/06/2017 .
  • Một Thiên Chúa Ba Ngôi


    Hằng ngày trước khi đọc kinh, trước khi ăn chúng ta làm dấu thánh giá: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Cũng vậy chúng ta rất thường đọc kinh Sáng Danh: "Sáng danh Dức Chúa Cha và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần." Nếu đơn giản chỉ đếm số thì ai cũng thấy có 3 lần chữ Ðức Chúa nghĩa là có 3 Ðức Chúa : Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con, Ðức Chúa Thánh Thần. Vậy mà niềm tin căn bản trong đạo chúng ta là : Tôi Tin kính Một Thiên Chúa. Chính vì thế Giáo Hội mới có công thức Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay.
    Tuy nhiên công thức nầy không phải dễ hiểu. Ðiều khó hiểu thứ nhất là chữ Ngôi, khi nói tới ngôi là nói tới một người riêng biệt có suy nghĩ thí dụ như tôi, như em nhỏ, mỗi người một ngôi riêng biệt không ai giống ai không ai thay thế cho ai. Về Thiên Chúa cũng vậy : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần khác nhau, không thể thay thế cho nhau được. 
    Từ điều khó hiểu thứ nhất chúng ta sang tới điều khó hiểu thứ hai tại sao Ba Ngôi, Ba Ðấng riêng biệt khác nhau lại là Một Thiên Chúa nghĩa là Một Ðấng đuy nhất. Cái khó hiểu đối với chúng ta là như thế : Một Thiên Chúa nhưng lại Ba Ngôi, và ngôi nào cũng là Thiên Chúa vậy mà không phải là Ba Chúa. Nghĩa là không thể dùng cách tính toán bình thuờng của con người mà tính về Thiên Chúa. Nơi con người phép tính 1 cây nến + 1 cây nến + 1 cây nến thành ba cây nến, một người + một người + một người thành ba người, phép tính nầy luôn luôn đúng. Tuy nhiên, phép tính nầy không thể áp dụng vào Thiên Chúa vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tuy khác nhau nhưng chỉ có một Chúa.
    Từ ghi nhận đó, chúng ta đi tới một nhận định quan trọng: Thiên Chúa không giống con người. Dù có vận dụng tất cả mọi hiểu biết, suy luận, con người cũng chỉ biết, chỉ tìm thấy một đìều là có Thiên Chúa, có ông Trời, Trời cao có mắt đi xa hơn nữa thì không thể.
    Nhận xét đó thật ra cũng dễ hiểu vì con người làm sao có thể hiểu Thiên Chúa được. Thiên Chúa là Ðấng Vượt xa con người thì làm sao con người có thể tự mình vươn tới Thiên Chúa được. Nói một cách khác, nếu Thiên Chúa tuyệt đối mà có thể diễn tả ra được, nói ra được bằng ngôn ngữ con người thì nó cũng sẽ trở thành tương đối như con người. Nếu Thiên Chúa dễ hiểu, nếu con người có thể hiểu được Thiên Chúa như mọi thứ khác trong vũ trụ thì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa siêu việt, Ðấng vượt trên con người. Thiên Chúa luôn luôn là huyền nhiệm, và người ta không thể tính toán về Thiên Chúa như tính các que kem. 
    Con người luôn cần đến mạc khải của Thiên Chúa để đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Và chúng ta nhận được Mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi từ nơi Ðức Giêsu. Về Thiên Chúa Cha, Ðức Giêsu đã từng nói: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Ðấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì" (Ga 12, 49). Còn về Chúa Thánh Thần hay là Thần Chân lý, thì Chúa Giêsu nói: "Nhưng Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em." (Ga 14, 26) Như thế những điều Chúa Giêsu nói với chúng ta, đến từ Thiên Chúa Cha và không ngừng được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội hiểu đúng Lời Chúa vằ hiểu đúng về Thiên Chúa Ba Ngôi và biết ứng dụng vào đời sống cụ thể ngày hôm nay.
    Từ đó chúng ta thấy rằng hiểu mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi thì rất khó nhưng quan sát những gì mà Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho nhân loại thì xem ra dễ hiểu hơn. Nói khác đi chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa Ba Ngôi thì xem ra dễ tiếp cận hơn và đó cũng chính là điều mà Giáo Hội muốn nhấn mạnh trong thánh lễ mừng kính hôm nay. 
    Thiên Chúa là Thiên Chúa cứu độ. Bài đọc thứ nhất ghi lại lời cầu nguyện của Môisen: "Xin xóa mọi gian ác và tội lỗi chúng tôi". Bài Phúc âm thì nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa Cha sai Chúa Con đến trần gian để cứu độ con người. Còn bài đọc thứ hai ghi lại câu mà Giáo Hội thường dùng để bắt đầu thánh lễ : "Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em". 
    Như thế, qua các bài đọc hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta thấy Thiên Chúa cứu độ trần gian qua 3 hướng sau đây:
    - Ân sủng của Ðức Kitô được ban phát cho mọi kẻ tin vào Ngài qua cái chết và Phục sinh. Ân sủng cứu độ cũng chính là ơn tha tội, ơn trở nên con cái Thiên Chúa.
    - Việc Thiên Chúa Cha sai Chúa Con, tức là Chúa Giêsu, xuống trần gian chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
    - Cuối cùng, hành động cứu độ của Thiên Chúa đối với trần gian qua Ðức Kitô luôn luôn thể hiện cho đến tận thế qua tác động của Chúa Thánh Thần.
    Như thế, mặc dù chúng ta là Kitô hữu, những người theo Chúa Kitô, nhưng chúng ta chỉ có thể theo Chúa Kitô trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðức Kitô cũng như Giáo Hội là thân thể Ðức Kitô chỉ thể hiểu được qua Thiên Chúa Ba Ngôi : Tình yêu Thiên Chúa Cha đã được thể hiện rõ ràng trong ân sủng của Ðức Giêsu và bộc lộ trong sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần.
    Tóm lại, mừng lễ Chúa Ba Ngôi là chúng ta kính nhớ một mầu nhiệm cao quí vượt sức hiểu biết của con người. Thế nhưng mầu nhiệm ấy rất gần với mọi người vì liên hệ tới ơn cứu rỗi của chúng ta, của nhân loại.
    Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho thấy sự phong phú, tính đa dạng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bị gò bó trong một khuôn mẫu cứng nhắc nhưng Ngài cho thấy tính đa dạng qua việc cứu chuộc nhân loại qua các công việc của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
    Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng cho thấy sự thông hiệp giữa Ba Ngôi. Tuy đa dạng nhưng hợp nhất cùng cứu độ, cùng tạo dựng. Phải chăng đó là những điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Nhiều khi chúng ta cảm thấy Thiên Chúa ở quá xa, quá cách biệt. Thực ra Chúa ở rất gần vì liên hệ tới ơn cứu độ, tới sự sống còn của chúng ta. Nhiều khi chúng ta chia rẻ bất hòa vì những lập trường khác nhau, mầu nhiệm Ba Ngôi cho chúng ta về một mẫu gương về sự hợp nhất trong khác biệt.
    Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay chúng ta trước tiên dâng lời ngợi khen sự siêu việt của Thiên Chúa đồng thời xin Chúa giúp chúng ta sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta biết vượt qua các sự cách biệt để sống hòa thuận với nhau trong gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Ernest Nguyễn Văn Hưởng

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook