Bài giảng

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI

  • Thứ sáu, 19:45 Ngày 20/10/2017 .
  • SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI 

    (CN XXIX/TN-A – KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO)

     

    Người Việt Nam vẫn gọi những người theo Đạo Thiên Chúa là những người có Đạo. Khi nói đến “sống Đạo giữa Đời” là nói đến sứ mạng chính yếu của người có Đạo (tức là những Ki-tô hữu sống giữa trần gian với trách nhiệm loan báo Tin Mừng mà Thiên Chúa và Giáo hội đã trao phó). Nói cách cụ thể thì đó là công cuộc Truyền Giáo như ĐTC Phan-xi-cô viết trong phần mở đầu Sứ điệp Truyền Giáo 2017 (“Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Ki-tô giáo”):

     

    “Một lần nữa trong năm nay, ngày Thế giới Truyền Giáo tụ tập chúng ta lại chung quanh con người của Chúa Giê-su, "Đấng loan báo Tin Mừng tiên khởi và vĩ đại nhất" (Phaolô VI, “Evangelii Nuntiandi”, 7), Đấng tiếp tục sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng về tình yêu của Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về việc truyền giáo trong lòng đức tin Ki-tô giáo. Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, thì Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Ki-tô nữa, mà là một trong nhiều nhóm người cuối cùng chỉ phục vụ mục đích riêng của họ và qua đi. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta tự đặt ra cho mình những câu hỏi về căn tính Ki-tô giáo của mình và trách nhiệm của mình như các tín hữu trong một thế giới bị đánh dấu bởi sự nhầm lẫn, thất vọng và thất bại, cùng bị xâu xé bởi các cuộc chiến tương tàn, là các cuộc chiến bất công nhắm đến những người vô tội. Căn bản của sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì? Trọng tâm của sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì? Những tiếp cận thiết yếu mà chúng ta cần phải thực hiện trong việc thi hành sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì?” (nguồn: Vatican.net)

     

    Xin cùng tìm hiểu về sứ vụ Truyền giáo:

     

    I.- TRUYỀN GIÁO – TÍNH CHẤT CĂN BẢN CỦA GIÁO HỘI:

     

    A- XUẤT PHÁT ĐIỂM VÀ ĐÍCH ĐIỂM CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO: Xuất phát từ lòng nhân từ thương xót vô biên, Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ, để làm vinh danh Người và tạo nên hạnh phúc cho loài người. Nói rõ hơn, vì tình yêu, Thiên Chúa ban sự sống cho con người và lại quay lại mời gọi loài người san sẻ tình yêu ấy cho nhau, liên kết nhau thành một dân duy nhất quy hướng về nguồn cội “Thiên Chúa Tình Yêu” (tức là khơi nguồn từ “Suối Tình Yêu” Thiên Chúa tuôn trào, để lại trở về với cội nguồn là “Biển Tình Yêu” bao la vô lượng của Thiên Chúa). Dòng chảy không ngừng ấy cũng chính là nguyên lý Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh như sắc lệnh về Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 2) đã chỉ rõ: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha. Ý định này tuôn trào từ "suối tình yêu" cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài mà Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần.”

     

    Chính vì thế, nên chân lý “Thiên Chúa Tình Yêu” vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm của hoạt động truyền giáo. Công cuộc truyền giáo bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, được duy trì và tiếp nối từ khi con người hiện diện trên trái đất. Những Thánh vịnh, Thánh ca, những ngôn từ, sách vở được lưu truyền rộng rãi, hoặc những hình ảnh về một cây nho, một vườn nho đan tử trong Cựu Ước, đã minh họa sống động cho điều này. Tới khi Thiên Chúa Cha sai Con Một xuống thế thực thi sứ mạng cao cả cứu độ nhân loại, thì một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vĩ đại – về truyền giáo được khai sinh. Và cũng từ đó, Giáo hội được thiết lập như một tiếp nối hành trình Con Đường Cứu Rỗi của Đức Ki-tô. Rõ ràng, Truyền Giáo tức là tình yêu “nhận về” (eros) – đón nhận Tình Yêu từ Thiên Chúa – và tình yêu “cho đi” (agape) – chia sẻ Tình Yêu ấy cho anh em.

     

    B- TÍNH CHẤT CĂN BẢN CỦA GIÁO HỘI TRẦN THẾ: Giáo hội trần thế còn gọi là Giáo hội Lữ hành, đó là một cộng đồng Dân Chúa đang trên hành trình tiến về Quê Trời (Giáo hội Thiên Quốc – GH Khải Hoàn). Vì tính cách tìm kiếm để chiếm hữu được Nước Trời, nên mọi hoạt động của Giáo hội nơi trần thế đều quy về một hướng: Rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Khởi từ biến cố “Ngôi Lời nhập thể”, một kỷ nguyên mới được mở ra giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Loài người vì được Thiên Chúa ban cho sự tự do đến gần như tuyệt đối, phát sinh kiêu ngạo “muốn bằng Đức Chúa Trời” (câu chuyện “Nguyên Tổ ăn trái cấm” – St 3, 1-24, câu chuyện “xây tháp Babel” – St 11, 1-9), và vì thế ngày càng đắm chìm trong tội lỗi nhuốc nhơ, trong bóng tối của tử thần. Đức Giê-su Ki-tô nhận lãnh sứ vụ từ Thiên Chúa Cha – qua thông hiệp của Chúa Thánh Thần – đã đến trong thế gian để hiện thực hóa sứ vụ rao truyền ơn Cứu Rỗi.

     

    Người chính là nhà Truyền Giáo vĩ đại nhất, bởi chính Người là Thiên Chúa tác tạo muôn loài lại phải trở nên “mọi sự trong mọi người” (“Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.” – 1Cr 15, 28), đồng thời phải đem chính mạng sống của mình ra cứu chuộc tội lỗi cho muôn người. Với dụ ngôn “Cây nho và vườn nho”, Người đã dạy cho các môn đệ cũng như cho mọi tín hữu biết tất cả là những cành nho hút nhựa từ thân cây nho duy nhất là Đức Ki-tô phải có bổn phận trổ sinh hoa trái, đó chính là bổn phận Truyền Giáo. Lệnh truyền của Đức Ki-tô: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 19-20), đã minh chứng rằng khi thiết lập Hội Thánh Chúa nơi trần thế, Người đã trao cho Giáo hội sứ mạng tiếp nối hành trình Cứu Độ mà Người đã thực hiện qua Hy tế Thập Giá và sự Phục Sinh vinh hiển, đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại.

     

    Rõ ràng tính chất căn bản của Giáo hội là truyền giáo (“Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo hội. Nó truyền bá đức tin cứu rỗi của Giáo hội, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của Giáo hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, nó dựa vào tính cách tông truyền của Giáo hội, nó thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo phẩm, nó làm chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo hội.” – Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 6). Trách vụ của toàn thể Giáo hội (bao gồm mọi Ki-tô hữu, mọi thành phần Dân Chúa – không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân) là phải loan báo Tin Mừng.

     

    C- TÍNH CHẤT CÁNH CHUNG CỦA HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO: Hoạt động truyền giáo là trường kỳ, là miên viễn, khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi truyền sang con người là loài thụ tạo, trải qua thời gian thật dài (Cựu Ước), trước khi Đức Giê-su Ki-tô được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian lần thứ nhất, và chỉ chấm dứt khi không còn sự hiện diện của loài người trong vũ trụ. Nói khác hơn, “thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai, Giáo hội ví như mùa gặt được thu góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời. Thực vậy, trước khi Chúa đến, Phúc Âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc.” (Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 9).

     

    Vào những thời điểm thuận tiện và cần thiết đáp ứng nhu cầu của thời đại, Giáo hội thường phát động và mở ra những tiêu điểm truyền giáo, nhằm nhắc nhở và thúc đẩy mọi Ki-tô hữu nhớ đến sứ mạng chính yếu của mình, đồng thời tác động vào tiềm năng loan báo Tin Mừng nơi mỗi Ki-tô hữu. Đó chính là lý do các Năm Thánh, Đại Năm Thánh được mở ra, và cho dù có nhiều chủ đề được nêu lên, nhưng tựu trung vẫn là phục vụ cho một mục đích duy nhất mà Hội Thánh Chúa hằng theo đuổi, đó là Truyền Giáo.

     

    II.- TRUYỀN GIÁO: SỨ VỤ NHẤT QUÁN CỦA KI-TÔ HỮU:

     

    A- KI-TÔ HỮU VỚI 3 CHỨC VỤ CỦA ĐỨC KI-TÔ: Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi Ki-tô hữu được tháp nhập vào chính Thân Thể Đức Giê-su Ki-tô, như những cành nho tháp nhập vào với thân cây nho duy nhất, hút nhựa và trổ sinh hoa trái. Cũng từ đó, người Ki-tô hữu được “trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả của Chúa Ki-tô” (Hiến chế Tín Lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, số 31).

     

    Tư Tế: Dâng cuộc sống riêng tư của bản thân làm của lễ, như Đức Ki-tô trong hy tế thập giá (Tư: riêng từng người, Tế: lễ dâng, lễ tế). Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, kể cả những thử thách của cuộc sống, nếu người tín hữu kiên trì đón nhận và chu toàn trong Thánh Thần, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô; vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn (“Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.” – 1Pr 2, 5). Như thế, giáo dân, nhờ biết phụng thờ Thiên Chúa, sẵn sàng cung hiến thế giới này cho Người bằng hành động thánh thiện khắp nơi.

     

    Trong chiều hướng đó, hiến chế “Lumen Gentium” (số 34) đã giải thích: “Chúa Giê-su Ki-tô, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo. Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Ki-tô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn.”

     

    Ngôn Sứ: Trước đây, dùng tiếng Tiên Tri (biết trước, ý muốn nói là người biết trước kết quả việc mình tin theo, làm theo; lời tiên tri tức là lời được báo trước về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai); nhưng sau dùng tiếng Ngôn sứ phù hợp và cụ thể hóa chức vụ của Đức Ki-tô khi Người được Chúa Cha sai xuống trần gian rao giảng Tin Mừng và thực hiện việc cứu độ nhân loại, và đó cũng là lý do gọi mầu nhiệm “Ngôi Hai giáng trần” là “Ngôi Lời nhập thể”. Ngôn sứ có nghĩa là người được sai đi rao giảng Lời Chúa (Ngôn: lời nói,Sứ: người được sai đi). Đó chính là công việc loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Chúa, mà từ trước khi Chúa Ki-tô giáng trần, Thiên Chúa đã sai một số người thực hiện (như các Tiên tri, Ngôn sứ trong Cựu Ước). Kể từ khi Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha sai đi như một ngôn sứ, thì Người đã sai toàn thể môn đệ làm những việc mà Người đã và đang làm.

     

    Kể từ Tân Ước, việc được sai đi mang tính tập thể hơn Cựu Ước (“Việc tham gia vào trách vụ rao giảng của Đức Ki-tô ‘là Đấng lấy cả cuộc sống mình cũng như lấy sức mạnh của lời nói để tuyên bố vương quốc Chúa Cha’, sự tham gia này làm cho người giáo dân có đủ năng-cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác. Người tín hữu giáo dân hợp nhất với Đức Ki-tô ‘vị Đại Tiên Tri’ (Lc 7, 16) và được đặt làm "chứng nhân" của Đức Ki-tô Phục Sinh trong Chúa Thánh Thần, họ trở thành những người tham dự vào ý thức Đức Tin siêu nhiên của Giáo hội ‘không thể sai lầm trong Đức Tin’ cũng như tham gia vào ân sủng của lời nói (Acts. 2, 17-18, Ap. 19, 10). Hơn nữa họ được gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia đình và xã hội của họ, cũng như để diễn tả niềm hy vọng vinh quang ‘ngay cả trong những cơ cấu của cuộc sống trần thế' (L.G. 35) với một tâm hồn nhẫn nại và can đảm giữa những khó khăn của thời hiện đại.” – Tông huấn Ki-tô hữu Giáo Dân “Christi Fideles Laici”, số 14).

     

    Vương giả: Vương giả là ông vua, người lãnh đạo (Vương: vua, Giả: ông, người). Tham dự vào chức vụ Vương giả, ngụ ý tham dự vào công việc của Vua Giê-su; mà Vua Giê-su khác hẳn những ông vua phong kiến ở trần thế (ngồi thụ hưởng, được mọi người phục vụ hết mình), Vua Giê-su thì “Thầy đến để phục vụ chớ không phải để được phục vụ” (Mt 20, 28). Được tham dự vào chức vụ Vương giả có nghĩa là được làm chủ: Làm chủ bản thân, làm chủ trần thế. Đó chính là tinh thần dân chủ đích thực giúp người tín hữu nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật cùng với giá trị của chúng, và cùng đích của chúng là ca ngợi Thiên Chúa. Đồng thời với sự hiểu biết ấy, người tín hữu giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình.

     

    Thực vậy, “Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Ki-tô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của Ðấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của Ki-tô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo hội, Chúa Ki-tô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn.” (Hiến chế “Lumen Gentium”, số 36).

     

    B- GIÁO HỘI LÀ MỘT CỘNG-ĐỒNG-HIỆP-THÔNG-VÀ-TRUYỀN-GIÁO: Như đã trình bày, căn tính, chân tính của Giáo hội là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng Cứu Độ, là chia sẻ cho nhau Tình Yêu vô lượng của Thiên Chúa. Rõ ràng Giáo hội là một tập thể, một cộng đồng sống tình huynh đệ chan hòa yêu thương trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như lời chúc của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.” (2Cr 13, 13). Có thể khẳng định Giáo hội là một-cộng-đồng-hiệp-thông-và-truyền-giáo, vì “Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần "hợp nhất toàn thể Giáo hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng khác nhau", như là linh hồn làm sống động những Tổ chức trong Giáo hội và đổ vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Ki-tô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy.” (Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 4).

     

    Tại sao vậy? Ấy cũng bởi “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông. Chính một Chúa Thánh Thần kêu gọi và hiệp nhất Giáo hội và sai Giáo hội đi rao giảng Phúc Âm "khắp trên mặt đất" (Acts. 1, 8). Còn Giáo hội, Giáo hội biết sự hiệp thông là ơn Chúa, nó có sứ mệnh đốí với mọi người. Như thế Giáo hội cảm thấy mắc nợ đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban tràn đức ái của Chúa Cha trong lòng các kẻ tin tưởng, là sức mạnh nốí kết bên trong và cũng là sức mạnh bành trướng bên ngoài. Sứ mệnh của Giáo hội nằm ngay trong bản tính của mình như Chúa Ki-tô đã muốn: đó là sứ mệnh phải trở nên "dấu chỉ và phương thế... làm cho toàn thể nhân loại được hợp nhất". Sứ mệnh này có mục đích làm cho mọi người biết và sống sự hiệp thông "mới" ; sự hiệp thông đi vào lịch sử thế giới nhờ con Thiên Chúa làm người.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 32). Chính vì thế, tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội đều sống hiệp thông huynh đệ với nhau để cùng thực thi sứ vụ chung là "đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

     

    C- TÍNH CHẤT CÁCH TÂN (ĐỔI MỚI) VÀ NHẤT QUÁN (THỐNG NHẤT) TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO: Kể từ khi được Thiên Chúa dựng nên và hiện diện trên trái đất, nếu loài người cùng thực hành, thực thi một công việc nào đó cho đến lúc thế giới cánh chung, thì đó chính là tính cách nhất quán của công việc ấy. Vậy thì từ khi những Ki-tô hữu được ơn gọi trở nên Dân Thiên Chúa, chỉ được trao có một nhiệm vụ duy nhất, cao cả nhất là rao giảng Tin Mừng cứu độ, thì sứ vụ ấy đã mang tính nhất quán (trước sau là một, chỉ có một mà thôi). Sứ vụ được trao tuy chỉ là một, là bất di bất dịch, là bất biến, nhưng lại luôn luôn thích nghi với thời đại, với từng giai đoạn trong trường kỳ lịch sử nhân loại, luôn phù hợp với từng hoàn cảnh địa dư, thì đó chính là tính chất cách tân (đổi mới) của hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

     

    Từ thời Cựu Ước, vấn đề truyền giáo đã được đặt ra. Đến thời Tân Ước, chính Đức Giê-su Ki-tô thực hiện việc truyền bá Phúc Âm thông qua Hy tế Thập Giá và sự Phục Sinh vinh hiển của Người – một cuộc canh tân vĩ đại đã mở ra phương hướng “trời mới đất mới” cho loài người. Khi hoàn tất sứ mạng, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Ki-tô lại phán cùng các môn đệ: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 19-23). Đó là Giáo hội sơ khai do chính Đức Ki-tô thiết lập với viên đá tảng đầu tiên là Thánh Phê-rô. Trải qua 2000 năm lịch sử, với các Công Đồng Chung, Giáo hội luôn luôn kiện toàn và đổi mới phương cách trong sứ vụ duy nhất là truyền giáo cho phù hợp với từng giai đoạn, từng bối cảnh lịch sử loài người. Đặc biệt và gần đây nhất là Thánh Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II (1962-1965) đã làm một cuộc canh tân vĩ đại chưa từng thấy trong lịch sử Giáo hội.

     

    Cả một triều đại Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II (và vẫn được tiếp nối tới triều đại đương kim: Đức GH Phan-xi-cô), một khẩu hiệu luôn luôn được nhắc đi nhắc lại và tận tâm, tận lực thực hiện là khẩu hiệu “Canh tân và sám hối” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, 34). Rõ ràng việc rao giảng Tin Vui Cứu Thế luôn luôn thích nghi với thời đại và là sợi chỉ vàng xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội. Sự thích nghi với từng thời điểm của lịch sử nhân loại là tính chất cách tân (đổi mới), và phải chăng sợi chỉ vàng xuyên suốt ấy là tính chất nhất quán (duy nhất) của hoạt động truyền giáo của Giáo hội? Cũng có thể khẳng định rằng để có Giáo hội (Giáo hội hiện hữu) và để Giáo hội mãi mãi tồn tại (Giáo hội bất biến), điều tất yếu là phải Truyền Giáo.

     

    III.- KẾT LUẬN:

     

    Tóm lại, tự bản chất, Giáo hội là một cộng đồng, một tập thể bao gồm tất cả Dân Thiên Chúa. Tất cả và mỗi Ki-tô hữu là thành phần của Giáo hội, bởi vì họ đã là “cành nho của thân cây nho duy nhất là Đức Giê-su”. Mỗi cành nho hút nhựa từ thân cây nho để tồn tại và trổ sinh hoa trái, và việc trổ sinh hoa trái ấy chính là một sứ vụ đáp trả ân sủng nguồn nhựa đã hút được. Nói khác hơn, việc trổ sinh hoa trái chính là việc “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Và đó chính là sứ vụ Truyền Giáo mà Giáo hội được chính vị hôn phu Giê-su Ki-tô trao phó, để tiếp nối hành trình cứu độ nhân loại. Vâng, và xin mượn lời dạy của Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 9), để một lần nữa minh họa hoạt động trong sứ vụ chung của tất cả những Ki-tô hữu trong Giáo hội:

     

    “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo. Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, mà trung tâm và tuyệt đỉnh là phép Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Ki-tô, Ðấng tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện. Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động truyền giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc, và hoàn lại cho Chúa Kitô là Ðấng tác thành chúng, Ðấng đã lật đổ nước ma quỷ và chận đứng sự dữ muôn hình của tội lỗi.

     

    Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc. Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung: nhờ hoạt động truyền giáo này, Dân Chúa được phát triển tới mức độ và thời gian mà Chúa Cha đã ấn định do quyền riêng của Ngài như lời tiên tri nói với Dân này rằng: ‘Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy căng rộng lều vải của con, đừng ngần ngại’ (Is 54, 2). Cũng nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể được triển nở đến thời hạn viên mãn của Chúa Ki-tô, và đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ lạy trong tinh thần và chân lý, sẽ lớn lên và được xây dựng ‘trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên tri mà chính Chúa Giê-su Ki-tô là viên đá góc’ (Ep 2, 20).”

     

    Để đạt được ước nguyện, xin hãy làm theo lời dạy của ĐTC Phan-xi-cô: “Anh chị em thân mến, khi thi hành việc truyền giáo của mình, chúng ta hãy lấy nguồn cảm hứng từ Đức Maria, Mẹ của công cuộc Phúc âm hoá. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời sự sống trong đức tin khiêm cung thâm sâu của Mẹ. Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta nói lên lời “xin vâng” của mình, khi ý thức nhu cầu cấp bách phải làm cho Tin Mừng của Đức Giê-su vang dội trong thời đại chúng ta. Xin Mẹ cầu Chúa ban cho chúng ta nhiệt tâm mới để đem Tin Mừng đến với mọi người, là Tin Mừng của sự sống chiến thắng sự chết. Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta có được sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá ra những cách mới hầu đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người.” (Sứ điệp Truyền Giáo 2017, số 10).

     

    Ước được như vậy. Amen.

     

     

    JM. Lam Thy ĐVD.

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook