Bài giảng

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY C - CÁM DỖ CUỐI CÙNG CỦA CHÚA GIÊSU

  • Chủ nhật, 19:37 Ngày 06/03/2022 .
  • CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY C

    Bài giảng Cha cố Phanxicô LÊ VĂN NHẠC

    Đnl 26, 4-10

    Rm 10, 8-13

    Lc 4, 1-13

    CÁM DỖ CUỐI  CÙNG CỦA CHÚA GIÊSU

    Anh chị em thân mến,

    Một cuốn phim đã gây xôn xao dư luận một thời, nhất là vào năm 1989, đó là phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu”(The last temptation of Christ) do nhà đạo diễn Mỹ Martin Scorcese thực hiện, phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis.  Cuốn phim đã gây khá nhiều chấn động trong dư luận Công giáo thế giới, nhất là tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Đã có những cuộc tuần hành, kiến nghị của đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân chống lại bộ phim này, khi nó còn đang được thực hiện. Và khi bộ phim được đưa ra trình chiếu, người ta đã phải huy động đông đảo cảnh sát để bảo vệ an ninh và ngăn ngừa bạo động. Dẫu vậy, cũng không tránh được những vụ đáng tiếc xảy ra, vì giới chống đối đã nổi lửa đốt cháy cà rạp chiếu phim và đã có người thiệt mạng. Bởi vì cuốn phim đã xúc phạm đến niềm tin kitô giáo, khi nó trình bày một Chúa Giêsu ngược lại với Tin Mừng, một Chúa Giêsu sa ngã cơn cám dỗ cuối cùng : Ngài đã tuột xuống Thập giá, rồi đi lấy vợ, có con cái, sống đến tuổi già, đến khi gần chết mới chịu trở lại Thập giá … !

    May thay, đây chỉ là cơn cám dỗ trong mơ, chứ trong thực tế, Chúa Giêsu đã kháng cự và đã chiến thắng hết mọi cám dỗ của Satan, kể cả cám dỗ cuối cùng.

    Mãi đến năm 2004, nhà đạo diễn Mel Gibson đã cho trình chiếu cuốn phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu” (The Passion of Jesus-Christ). Cuốn phim đã chiếm được 11 giải thưởng Oscar điện ảnh và đã thu hút hàng triệu khán giả trên thế giới. Đây mới là một Chúa Giêsu đích thực đã từ khước những đường ngang nẻo tắt của Satan cám dỗ, để nhất quyết chọn con đường Tử nạn Thập giá, hoàn thành sứ vụ cứu độ nhân loại.

    Thưa anh chị em,

    Theo các sách Tin Mừng thì sau khi được Thánh Thần tấn phong bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu vào sa mạc, đương đầu với Satn. Thánh Marcô chỉ nói vắn tắt : “Chúa Giêsu ở trong sa mạc 40 ngày và chịu Satan cám dỗ”. Còn Thánh Matthêu và Luca lại kể rõ 3 chước cám dỗ của Chúa Giêsu. Những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của tôi hôm nay.

    Cám dỗ đầu tiên đánh thẳng vào điểm yếu của Ngài : Sau một thời gian dài nhịn ăn, Đức Giêsu thấy đói. Cái đói làm tê liệt và đụng đến bản năng sinh tồn. Điều duy nhất cần đối với người đói là tấm bánh, là ăn uống. Đức Giêsu đã thắng được cơn cám dỗ này. Ngài không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh. Lợi nhuận trong kinh tế là điều quan trọng, nhưng không được quên các giá trị văn hóa, luân lý, tôn giáo…Lắm khi cái đói vật chất vẫn chi phối chúng ta. Người ta dễ hiểu sai câu : “Có thực mới vực được đạo”. Chúng ta vẫn bị cồn cào bởi những thèm thuồng, chính đáng và không chính đáng, cá nhân và tập thể, nhưng đừng để mình thỏa mãn cơn đói bằng mọi giá, thậm chí bán rẻ cả lương tâm…

    Cám dỗ thứ hai là một cám dỗ thô bạo và hấp dẫn : bái lạy ma quỷ để được quyền lực và vinh quang. Có nhiều người nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão này. Bao đế quốc, bao nhà độc tài đã trôi đi trog dòng lịch sử. Đức Giêsu chẳng muốn nhận quyền từ ai khác ngoài Cha. Chỉ Cha mới là Đấng duy nhất để Ngài thờ phụng.

    Cám dỗ thứ ba có vẻ đạo đức, kỳ thực lại là dấu hiệu của sự thiếu lòng tin. Tôi đưa mình vào tình huống hiểm nghèo, để bắt Chúa ra tay hành động. Nhảy xuống từ nóc Đền thờ mà không chết, quả là ngoạn mục! Chúng ta vẫn thích Chúa làm chuyện ngoạn mục cho đời ta. Chúng ta không thích sống trong lòng tin êm ả, như đứa con biết rõ Cha thương mình, không đòi kiểm chứng.

    Thưa anh chị em,

    Nhìn lại 3 cơn cám dỗ của Đức Giêsu, chúng ta thấy chúng có một mẫu số chung : đó là Ngài bị lôi kéo sống cho mình, lo cho mình, xây đắp cho mình. Dù là dùng quyền năng Cha ban để biến đá thành bánh ăn cho đỡ đói. Dù là nhảy xuống từ nóc Đền thờ như một thách đố đối với Thiên Chúa yêu thương hay như một biểu diễn ngoạn mục để thu hút quần chúng. Dù là sấp mình bái lạy Satan để được nắm mọi quyền hành trên muôn nước.

    Giàu sang, quyền lực, khoái lạc vẫn là những cám dỗ muôn thuở cho mọi người, mọi tập thể đạo đời. Đức Giêsu đã thắng được  các cơn cám dỗ. Cơn cám dỗ lớn nhất là quay vào mình, chọn mình thay vì chọn Chúa và anh em.

    Chúng ta cần nhận ra những cơn cám dỗ hiền lành, mang một lớp vỏ bên ngoài vô hại, ngọt ngào. Cần tập chiến thắng cơn cám dỗ bằng cầu nguyện, hy sinh. Hy sinh là làm chủ các giác quan và trí tưởng tượng, là khiêm tốn nhận mình yếu đuối, mỏng dòn, là dám cương quyết từ chối : “Hãy xéo đi, Satan !”

    Lạy Chúa Giêsu,

    bị cám dỗ là thân phận của con người,

    nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa.

    Cuộc sống hôm nay

    cho chúng con bao cám dỗ ngọt ngào,

    làm khuấy động những thèm khát nơi chúng con.

    Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu.

    Cám dỗ thống trị bằng quyền uy hay trí thức.

    Cám dỗ sống buông thả theo bản năng tự nhiên.

    Cám dỗ nào cũng hứa cho chúng con ít nhiều hoan lạc,

    nhưng thật ra lại làm chúng con nghèo nàn

    vì tự giam mình trong cái tôi ích kỷ.

    Xin cho chúng con thắng được các cơn cám dỗ

    nhờ tỉnh thức và cầu nguyện,

    nhờ chay tịnh và làm chủ bản thân.

    Xin cho chúng con dám lội ngược dòng với thế gian,

    để đi vào con đường hẹp của Chúa,

    con đường nghèo khó, khiêm nhu,

    con đường hy sinh phục vụ.

    Ước gì chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa,

    sau những lần chiến đấu vất vả cam go.

    Và ngay cả khi yếu đuối ngã sa,

    xin cho chúng con can đảm đứng lên ,

    vững tin vào vào lòng Chúa tín trung tha thứ. Amen.

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    Kết nối facebook