Nghi Thức Thánh Lễ

Dẫn lễ Tuần Thánh

  • Thứ hai, 09:48 Ngày 06/03/2017 .
  • Dẫn lễ Tuần Thánh

     

    CHÚA NHẬT LỄ LÁ

    LÀM PHÉP LÁ, RƯỚC LÁ VÀ THÁNH LỄ

    1- Dẫn khai mạc:

    Kính thưa cộng đoàn phụng vụ:

    Hôm nay là ngày khai mạc Tuần Thánh, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn thành Mầu Nhiệm Vượt Qua. Phụng vụ hôm nay tung hô Chúa Giêsu khải hoàn. Tiếp theo đó, lại mời gọi chúng ta theo Người trên con đường khổ giá.

    Hôm nay dân chúng hoan hô Chúa Giêsu, thứ sáu họ lại đả đảo và đòi giết Chúa.

    Tuần này, Con Thiên Chúa tự để mình chôn vùi trong cái chết thê thảm, đến Chúa Nhật Phục Sinh, Người sống lại vinh quang.

    Hôm nay, Chúa long trọng vào thành Giêrusalem; vì thế, trước thánh lễ, cũng chính là giây phút giờ đây, Giáo Hội cử hành nghi thức làm phép lá và rước lá, để tưởng niệm Chúa vào thành Giêrusalem.

    2- Chủ tế có lời chào nhập lễ:

    Anh Chị Em thân mến!

    Hôm nay, cùng với Hội Thánh toàn cầu, Cộng đoàn giáo xứ chúng ta cũng khai mạc Tuần Thánh bằng một Thánh lễ với hai nghi thức:

    1/ Kiệu lá: Diễn lại cảnh tượng dân Dothái xưa long trọng và hân hoan rước Chúa Giêsu khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem như một Đấng Mêsia, để tuyên xưng và nêu cao vương quyền và vinh quang của Ngài, đồng thời để chúng ta biết bền vững tin tưởng và phó thác vào Ngài là Đấng cứu độ duy nhất của trần gian.

    2/ Thánh lễ: Tưởng niệm Mầu nhiệm Vượt Qua (Tử nạn – Phục Sinh – Lên trời) của Đức Giê-su Kitô mang lại ơn cứu độ cho cả nhân loại chúng ta, đồng thời mời gọi mỗi người chúng ta tiến bước theo Ngài trên con đường thập giá, để được thông hiệp với Ngài trong cuộc sống lại vinh quang. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, và sốt sắng tham dự vào nghi lễ thánh thiện hôm nay.

    3- Dẫn trước rước lá:

    Tham dự vào cuộc rước lá hôm nay, chúng ta tung hô Chúa là Đấng Cứu Thế. Đồng thời chúng ta theo Chúa long trọng vào thành Giêrusalem, và rồi chúng ta cũng sẽ theo Chúa trên đường lên núi sion.

    Người sẽ dẫn chúng ta đến sự sống lại, và đến ngày Người trở lại, chúng ta sẽ tung hô “Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”.

    ó Rước lá - tiến vào thánh đường:

    ó Đến cung thánh, cha chủ tế sẽ bắt đầu thánh lễ bằng lời nguyện nhập lễ:

    4- Dẫn trước bài đọc 1: Isaia 50,4-7

    Sau đây là bài ca về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: chính là chân dung của Đức Kitô mà ngôn sứ Isaia diễn tả từ nhiều năm trước.

    Suốt cuộc thương khó của Đức Kitô, Ngài luôn tỏ ra tự do và kiên trì tuân phục thánh ý Chúa Cha.

    (Xin mời cộng đoàn cùng lắng nghe bài trích sách Ngôn sứ Isaia sau đây)

    5- Dẫn trước bài đọc 2: Phillip 2,6-11

    Đức Kitô tự hạ mình xuống và đã được Chúa Cha tôn vinh. Bài ca tôn vinh Đức Kitô sau đây, gợi lại các giai đoạn trong công trình cứu độ của Người, từ sự nghèo khó trần trụi của việc nhập thể và sự hủy diệt qua cái chết, đến ánh sáng huy hoàng của sự phục sinh.

    (Mời cộng đoàn lắng nghe bài trích thư gửi tín hữu Phillip)

    6- Lời nguyện tín hữu:

    Chủ tế:

    Anh Chị Em thân mến!

    Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta hiểu rằng: muốn được chiến thắng vinh quang, phải trải qua một cuộc chiến đấu gian khổ. Đó là qui luật tất yếu. Chắc hẳn, mỗi người Kitô hữu chúng ta, đều hoàn toàn và triệt để tin tưởng vào cuộc chiến thắng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng phấn khởi dâng lời nguyện xin:

    1/ Cầu cho Giáo Hội:

    “Trên viên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Hội Thánh là “con tàu cứu độ” và là Bí tích cứu độ phổ quát. - Chúng ta cùng nguyện xin Chúa cho Đức Thánh Cha… và các vị lãnh đạo tinh thần trong Hội Thánh được tràn đầy ơn Chúa, để “lèo lái” Hội Thánh nói riêng và nhân loại nói chung trên biển đời đầy sóng gió, đến bến bờ cứu độ của Chúa.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    2/ Cầu cho mọi người:

    “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (x. Pl 2,6-7). - Xin Chúa cho hết mọi người được nghiệm thấy rằng: Thế giới này chỉ là cõi vô thường và tương đối. Đừng quá chỉ lo chiếm hữu tiền của và hưởng thụ mọi lạc thú!; nhưng con người cần phải biết khôn ngoan sử dụng nó như là cơ hội và phương tiện duy nhất, để đạt được cõi-vĩnh-hằng và tuyệt đối, nơi Thiên Chúa là cội nguồn và là cùng đích tối hậu của mọi loài.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    3/ Cầu cho những người nghèo khổ:

    “Sấm ngôn của Thiên Chúa phán: Kẻ được Ta đoái nhìn, đó là người nghèo khổ” (Is 66,2). Có nhiều nguyên nhân gây đau khổ cho con người, mà không thể nào “diệt khổ” được! - Xin Chúa cho những ai đang lâm cảnh khổ đau trên thân xác và trong tâm hồn, biết thức tỉnh và hướng lòng lên Chúa. Đồng thời biết kết hợp những đau khổ với cuộc tử nạn của Đức Kitô, để được thông phần vào ơn cứu độ của Ngài và góp phần cứu độ trần gian.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    4/ Cầu cho cộng đoàn hiện diện:

    Chúa Giêsu phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Thầy, thì không thể làm môn đệ Thầy được” (Lc 14,27). Trên trần gian nầy, con người thường hay ngại khổ và thích sướng! - Xin Chúa cho mỗi người trong Cộng đoàn Giáo xứ chúng ta biết khôn ngoan, sáng suốt và can đảm chấp nhận bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, để được cùng vác thập giá hiệp thông với Ngài, để ngày sau cùng được sống lại vinh quang.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    Chủ tế:

    Lạy Thiên Chúa, là Đấng nhân từ và hay thương xót. Xin nhậm lời chúng con vừa tha thiết nguyện cầu mà ban ơn thêm sức cho chúng con, để chúng con bước vào Tuần Thánh với một tinh thần: “Âm thầm cầu nguyện, lặng lẽ hy sinh, thành tâm sám hối”. Hầu đem lại cho chúng con một tấm lòng đạo đức và thánh thiện hơn, để đón mừng hồng ân Phục sinh của Con Chúa.

    Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

    7- Cầu nguyện hiệp lễ:

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Hôm nay là ngày mở đầu cho Tuần Thánh, với việc long trọng cử hành Chúa tiến vào thành thánh Giêrusalem, để cho chúng con xác tín rằng: Chúa là vua, vị vua hiền từ và khiêm tốn của những tâm hồn hiền từ khiêm tốn, để rồi ngày mai ngày mốt, chúng con chia sẻ sâu xa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa trong Tuần Thánh này.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúng con đang suy tư về Chúa là Thiên Chúa và là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, là Con Chiên hiền lành bị đem đi sát tế, không phải để cứu mình, nhưng là để cứu nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng con.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Xin nhậm lời chúng con, xin làm cho chúng con trở thành đầy tớ trung thành và là con chiên hiền lành của Chúa, không chỉ trong Tuần Thánh này, mà trong suốt cả cuộc đời của chúng con. Amen.

     

    DẪN NGHI LỄ:THỨ NĂM TUẦN THÁNH

    BỮA TIỆC LY CỦA CHÚA

    1- Dẫn trước thánh lễ:

    Kính thưa cộng đoàn phụng vụ:

    Giờ đây, chúng ta bắt đầu từng bước theo chân Chúa Giêsu, trong những ngày cuối cùng cuộc đời sứ mệnh trần thế.

    Chiều thứ năm, sau Bữa Chiên Vượt Qua theo luật Dothái, Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện việc hoàn toàn tự hiến đời mình, làm hy lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha, để Chúa Cha được vinh danh và nhân loại được cứu rỗi.

    Trước giờ ra đi. Người lập Bí tích Thánh Thể, để trao phó cho nhân loại sự sống mà Người hoàn toàn hiến dâng ngày hôm sau: Khi trao bánh và rượu là Mình và Máu Người cho các môn đệ. Người bảo các ông: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.

    Như thế, Chúa Giêsu đã thiết lập chức linh mục, để qua linh mục, Người tiếp tục giảng dạy và thông ơn cho nhân loại mãi đến ngày tận thế.

    Giờ đây, chúng ta cùng ca đoàn hát lên bài ca “vinh quang-thập giá Đức Kitô” trong tâm tình tri ân-cảm mến.

    2- Dẫn trước bài đọc 1: Xuất hành 12,1-14

    Trong mỗi thánh lễ, chúng ta đều đọc “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Chính Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa, là Con Chiên đích thực đã bị giết chết vì tội lỗi chúng ta và trở nên của ăn cho những ai đang trên đường đi về miền Đất Hứa. Chính những giọt Máu của Người đã đổ ra để xóa sạch tội lỗi thế gian.

    (Xin mời cộng đoàn cùng lắng nghe bài trích sách Xuất hành sau đây)

    3- Dẫn trước bài đọc 2: 1Cr 11,23-26

    Khi hiến thân làm của ăn, cũng như khi chịu khổ hình trên thập giá, Chúa Kitô đều chứng tỏ cho chúng ta thấy tình thương tột cùng của Người đối với chúng ta.

    Và trong mỗi bữa tiệc Thánh Thể, Chúa đều nhắc chúng ta nhớ lại Bữa Tiệc Ly và Hy lễ Núi sọ của Người khi xưa.

    (Xin mời cộng đoàn cùng lắng nghe bài trích thư gửi tín hữu Côrintô sau đây)

    4- Dẫn trước rửa chân (sau bài giảng):

    Tất cả giáo huấn của Chúa, tất cả nền tảng cốt yếu của đạo Công giáo gồm chỉ trong hai từ “yêu thương”.

    Trước khi chia tay các môn đệ ra đi chịu chết, Chúa Giêsu vừa dạy dỗ vừa di chúc lại cho các môn đệ và cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, một bài học vô cùng quý giá và cần thiết cho hành trình trở nên hoàn thiện. Đó là bài học yêu thương. Yêu thương để trở nên khiêm nhường và yêu thương để dấn thân phục vụ.

    Hình ảnh cụ thể mà Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trước lúc chia ly này, thật trùng hợp với đề tài “yêu thương và phục vụ” trong năm sống đạo hôm nay của HĐGMVN đang tha thiết mời gọi chúng ta.

    Có lẽ Chúa đang chất vấn chúng ta: “Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em lại không có lòng yêu thương để phục vụ nhau sao?”

    5- Lời nguyện tín hữu:

    Chủ tế:

    Anh Chị Em thân mến!

    Trong tâm tình cảm mến tri ân lòng Chúa xót thương, chúng ta quy tụ nhau nơi đây để sống mầu nhiệm Tam Nhật Vượt Qua. Hiệp cùng các thánh Tông đồ, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin:

    1/ Cầu cho Giáo Hội:

    “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). - Xin Chúa cho hàng Giáo phẩm và Giáo sĩ, luôn sốt sắng cử hành thánh lễ hằng ngày, hầu mang lại sức sống thiêng liêng cho toàn thế giới.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    2/ Cầu cho mọi người:

    “Này là mình Thầy hiến tế vì anh em” (Lc 22,19). - Xin cho toàn thể nhân loại, biết chạy đến nhờ hồng ân Chúa Giêsu Kitô, tự hiến thân mình trên thánh giá và trên bàn thờ mỗi ngày, để xin ơn xót thương và xin ơn tha thứ mọi tội khiên.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    3/ Cầu cho những người nghèo khổ:

    “Nếu Thầy không rửa chân cho anh em, thì anh em sẽ không được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). - Xin cho hết mọi người Kitô hữu, biết chạy đến với Chúa trong Bí tích Giao Hòa, để được Tẩy Rửa linh hồn trong sạch, hầu được kết hiệp mật thiết với Chúa.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    4/ Cầu cho cộng đoàn hiện diện:

    “Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). - Xin cho mọi người trong Giáo xứ chúng ta, có tinh thần hiệp nhất yêu thương tha thứ và phục vụ cho nhau, để nhờ những việc chúng ta làm mà người đời nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    Kết:

    Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã khiêm tốn tự hạ mình xuống để phục vụ chúng con và phục vụ cho đến mức bằng lòng chịu chết. Xin Chúa, ban cho chúng con biết sửa chừa tính kiêu căng tự phụ, mà khiên tốn và hết lòng phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo nàn, già yếu, khổ đau.

    Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

    6- Cầu nguyện hiệp lễ:

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!

    Qua hành vi cúi xuống rửa chân cho các tông đồ và qua lời đọc trên tấm bánh và chén rượu trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã diễn tả sự tự huỷ và hiến thân của mình và để lại tấm gương về tình yêu tột cùng.

    Xin cho chúng con hằng nhớ mình đã được cứu chuộc bằng sự hiến thân của Chúa, và mình đã là môn đệ của một vị Thầy yêu mến đến mức độ tuyệt đối.

    Xin cho trái tim chúng con đón nhận được tình yêu của Chúa và đời sống, thái độ của chúng con chứng minh cho mọi người thấy rằng chúng con thuộc về một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương, và thấy rằng chúng con đang cố gắng vượt lên trên mọi sự ích kỷ, hẹp hòi, mọi bất công, thù oán khi cư xử với tha nhân.

    6- Dẫn kiệu Mình Thánh về nhà tạm:

    Kiệu Mình Thánh về nhà tạm, là việc làm lưu trữ Thánh Thể Chúa cách long trọng, có ý để dành Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và để chịu Mình Thánh Chúa trong lễ tưởng niệm Chúa chết hôm sau (ngày thứ sáu tuần thánh).

    Vì hôm nay là ngày tưởng niệm Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nên chúng ta cử hành việc rước kiệu một cách đặc biệt, để cung nghinh trước những giờ canh thức bên Mình Thánh Chúa.

    Trong những giờ phút thân mật ngày hôm nay, chúng ta hãy sống lại những giờ khắc âu yếm như Thánh Gioan sống bên lòng Chúa xưa.

    Chúng ta không nên bỏ qua những giây phút vàng ngọc trong đêm canh thức này: Như lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu: “Anh em không thể canh thức với Thầy một giờ sao?” (Mt 26,40).

    Giờ đây, xin mời cộng đoàn cùng hát lên bài hát khai mạc đêm canh thức.

     

    DẪN TRƯỚC CHẦU THÁNH THỂ

    Kính thưa cộng đoàn! Hôm nay (Thứ Năm Tuần Thánh), Hội Thánh mời gọi chúng ta cùng nhau suy niệm về hai biến cố trọng đại:

    - Biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ

    - Biến cố Chúa Giêsu ban Mình Máu Người

    Nhìn chung, hai hành vi này có liên quan mật thiết với nhau và cả hai đều biểu lộ một tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại, đặc biệt là đối với những người sống ơn gọi tu trì.

    Bởi thế, Thánh Gioan đã nhập đề biến cố rửa chân bằng những lời sau đây: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở lại thế gian, và Người thương yêu họ đến cùng”(Ga 13,1).

    Thưa cộng đoàn! Điều đáng ngạc nhiên và đáng cho chúng ta lưu ý rằng: trong cả hai trường hợp, Chúa đều truyền dạy phải thực hiện những việc Người đã nêu gương trước. Như khi lập phép Thánh Thể, Chúa phán: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Còn sau khi rửa chân cho các môn đệ thì Người truyền: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).

    Qua những lệnh truyền vừa nêu trên, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta tiếp tục sứ mạng yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người, bằng cách hiến thân trọn vẹn để phục vụ tha nhân. Người muốn tình yêu của chúng ta phải hoàn hảo như chính tình yêu của Người vậy.

    Và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau kiểm điểm và thề hứa trước Thánh Thể Chúa, về thái độ yêu thương và phục vụ của chúng ta. Xin cho năng lực của Phép Thánh Thể biến đổi mỗi người chúng ta, nên giống Chúa hơn trong tình yêu tận hiến và phục vụ.

    ===================

    KINH VIẾNG THÁNH THỂ

    Con lạy Đức Chúa Giêsu hằng ngự trên bàn thờ đêm ngày liên mãi, vì lòng thương loài người ta, mà lấy lòng thương xót mời gọi chờ đợi, cùng chịu lấy mọi kẻ đến cùng Chúa. Con tin thật vững vàng Chúa ngự trong phép Mình Thánh, dù mà con rất hèn hạ, con cũng cả dám sấp mình xuống thờ lạy, đội ơn Chúa, vì mọi ơn Chúa đã xuống cho con, nhất là vì Chúa đã lập phép Mình Thánh, phó mình cho con, cùng đã ban Mẹ Chúa là Rất Thánh Đức Bà Maria, làm quan thày bầu cử cho con, và đã mở lòng con đến chầu Mình Thánh Chúa trong nhà thờ này bây giờ.

    Hôm nay con thờ lạy Trái Tim Chúa đáng mến vô cùng, hay thương vô cùng. Trước là cho được tạ ơn Chúa đã lập phép cực trọng Mình Thánh Chúa, sau là cho được đền vì tội lỗi những kẻ vô đạo, kẻ rối đạo, và kẻ có đạo đã phạm đến phép Mình Thánh Chúa từ xưa đến nay. Sau nữa dù con chầu Mình Thánh Chúa ở đây, nhưng mà lòng con ước ao cho được chầu Chúa nơi các nhà thờ có Mình Thánh Chúa, nhất là những nơi người ta bỏ chẳng chầu Mình Thánh Chúa.

    Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, con kính mến Chúa hết lòng hết sức, con lo buồn ăn năn trách mình con, vì bấy lâu nay nhiều lần con đã mất lòng Chúa, là Đấng nhân lành vô cùng dường ấy. Từ nay về sau, trông ơn Chúa giúp sức, con quyết chí sửa mình, chẳng còn dám mất lòng Chúa nữa. Dù mà con rất hèn mạt, con cũng xin dâng trót mình con cho Chúa: trí khôn, ý muốn, mọi sự lòng con yêu chuộng ước ao, cùng các sự khác thuộc về con, thì con dâng cho Chúa hết thay thảy, chẳng dám tiếc sự gì cùng Chúa nữa. Từ nay mà đi, Chúa muốn định cho con thế nào, con vâng bằng lòng thế ấy. Con chẳng xin, chẳng muốn sự gì, chỉ xin, chỉ muốn cho con được kính mến, được giữ nghĩa cùng Chúa cho đến hết hơi, cùng vâng theo thánh ý Chúa cho trọn mà thôi.

    Con xin Chúa cho các linh hồn nơi luyện ngục, nhất là những linh hồn kẻ khi còn sống, có lòng kính mến Mình Thánh Chúa và trông cậy Rất Thánh Đức Bà cách riêng. Con lại xin Chúa thương đến các kẻ có tội, cho họ được ăn năn sửa mình lại nữa.

    Sau hết, dù con có yêu mến ước ao sự gì, vật gì, thì con cũng xin hợp cùng trái tim rất nhân lành Chúa, mà dâng sự  ấy, vật ấy làm một cùng Trái Tim Chúa cho Đức Chúa Cha, xin Người nhận lấy cùng nghe lời con cầu xin, vì công nghiệp Chúa. Amen.

    ==================

    SUY NIỆM VỀ ƠN GỌI - TRƯỚC THÁNH THỂ

    ĐÊM CANH THỨC - THỨ NĂM TUẦN THÁNH

    Hôm nay (Thứ Năm Tuần Thánh), Hội Thánh mời gọi chúng ta cùng nhau suy niệm về một biến cố trọng đại: đó là biến cố “Chúa Giêsu lập chức linh mục thừa tác” nói riêng, và ơn gọi đời sống tu trì nói chung.

    Qua biến cố này, Chúa thông ban cho những người Chúa tuyển chọn – đó là những người có lời đáp xin vâng, tự nguyện hiến thân để phục vụ và tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài. Đây chính là một đặc sủng cao cả và cũng là một nhiệm vụ trọng đại của mỗi người chúng ta.

    Quả thật. Ngôi Hai đã được Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ cho loài người, và Ngài đã sai các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

    Nhớ lại khi xưa, lúc Chúa Giêsu còn ở tại thế. Nhiều lần Ngài đã chủ tâm nhắc cho các tông đồ biết rằng: “Chính Ngài đã chọn các ông và ý tưởng về ơn thiên triệu của họ là do Ngài tự nguyện đi bước trước; còn các tông đồ thì chỉ có việc đáp lại lời xin vâng để bước theo Ngài và thực thi lời Ngài truyền dạy”. Cũng như xưa, khi ông Phêrô còn đang mạnh mẽ tuyên xưng đức tin thì Chúa Giêsu liền nói với ông: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là nhóm 12 sao? Thế mà một người trong anh em lại chọn theo quỷ dữ để nộp Thầy” (Ga 6,71).

    Và trước khi bước vào cuộc vượt qua. Chúa còn nhắc lại cho các môn đệ của Ngài một chân lý quan trọng, làm nền tảng cho lòng tin tưởng và hy vọng rằng: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15, 16).

    Tin Mừng thánh Gioan còn kể rằng: Trong lời cầu nguyện sau cùng cho các tông đồ, chính Chúa Giêsu đã nài xin Chúa Cha: “Con cầu cho những người mà Cha đã ban cho Con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con; và Con được tôn vinh nơi họ” (Ga 17, 9-10).

    Đến nay. Tin Mừng cứu độ đã trải qua hơn hai thiên niên kỷ rồi. Thế nhưng, khi nhìn lại thực trạng Công giáo toàn cầu, chúng ta nhận được một kết quả đáng buồn; đáng buồn nhưng không thể không nói lên, vì số người Kitô hữu vẫn còn là một tỉ lệ khá khiêm tốn (vì chưa đến 10%). Lời kêu gọi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa Giêsu, vẫn còn đang vang vọng từng ngày, mà thành phần hưởng ứng lời kêu gọi này trước tiên phải là những người nhà tu chúng ta, bởi vì chúng ta là những người chọn Chúa và theo Chúa Kitô cách triệt để.

    Vâng. Quả là quá rõ rồi “Ơn thiên triệu là do sáng kiến từ Chúa mà đến”. Song, chúng ta lại không ý thức đủ đặc ân và bổn phận nơi ơn gọi của mỗi người chúng ta. Phần chúng ta, chắc chắn, chẳng ai muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa như môn đệ Giuđa. Vì ông đã chủ tâm phản Thầy rồi, mà vẫn còn cố tình hỏi: “Thưa Thầy có phải con không?”

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con cảm tạ Chúa vì đã lập chức linh mục thừa tác để nối dài sự hiện diện của Chúa ở trần gian, và nhờ chức linh mục, đời sống tâm linh của chúng con được nuôi dưỡng, bằng những phương thế của các bí tích.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con đã cảm nhận được tình thương bao la của Chúa dành cho chúng con. Vì “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về Ngài… thì Ngài cũng yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, hầu hết mình vì con.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Tự bản chất, chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng. Xin Chúa nâng đỡ chúng con, để đời sống tu trì, học hỏi, rèn luyện và những việc làm của chúng con đem lại kết quả tốt đẹp, như lòng Chúa hằng mong ước. Amen.

    ================

    LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHẦU THÁNH THỂ

    CANH THỨC THỨ NĂM TUẦN THÁNH

    Chủ sự:

    Anh Chị Em thân mến!

    Chiều nay, Cộng đoàn chúng ta vừa được hân hoan, mừng kỷ niệm “Thánh lễ Tiệc ly”. Trong bữa tiệc ly, khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu biểu lộ cách đặc biệt mối liên kết chặt chẽ giữa việc chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa, với đức yêu thương và việc phục vụ. Trong tâm tình yêu thương tha thiết đó… Giờ đây, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

    1. "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19). Điều này chứng tỏ rằng: Bí tích Thánh Thể và chức vụ Linh Mục luôn liên kết mật thiết với nhau. - Xin Chúa cho các linh mục biết lấy Bí tích Thánh Thể làm trung tâm đời sống các ngài, để các ngài được kín múc tận nguồn suối cứu độ mọi ơn thiêng cần thiết, ban cho Cộng đoàn Dân Chúa được sống dồi dào.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    2. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,25). Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ, đã tự hiến thân mình làm của lễ hy sinh cứu độ và trở nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn thế nhân. - Xin cho các linh mục biết noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu: sẵn sàng hiến dâng đời sống mình “vì yêu thương đến cùng mà khiêm tốn phục vụ Cộng đoàn giáo dân và hết mọi người xung quanh”.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    3. Như lời Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết và sống lại” (1Cr 11,26). - Xin cho chúng con, mỗi khi hiệp dâng Thánh lễ, biết loan truyền Chúa đã chịu chết, bằng cách cùng với Chúa chết đi đối với tội lỗi, và vui lòng chấp nhận mọi gian nan thử thách trong cuộc đời, như vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa; và tuyên xưng Chúa đã sống lại, với hy vọng, nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con sẽ chiến thắng mọi tội lỗi và được sống lại với Chúa vinh quang.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    4. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). - Xin Chúa cho chúng con biết biểu tỏ lòng yêu mến Chúa bằng việc yêu thương giúp đỡ những người bé mọn, đặc biệt là những người nghèo khổ. Để nhờ đó, mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ đích thực của Chúa, đồng thời nhận biết Chúa là Cha yêu thương và từ bi nhân hậu đối với hết mọi người.

    (Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

    Kết:

    Lạy Chúa, chúng con hết lòng thành kính cám ơn Chúa về tất cả những gì Chúa đã làm trong Bữa Tiệc ly, và chúng con nguyện sẽ cố gắng hết mình, để sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa.

    Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

     

    THỨ SÁU TUẦN THÁNH CHÚA GIÊSU CHỊU THƯƠNG KHÓ

    Dẫn trước nghi thức:

    Kính thưa cộng đoàn phụng vụ:

    Công việc mà thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đã xếp đặt, muôn dân trông đợi, đang được thực hiện và hoàn tất trên Thánh Giá. “Mọi sự đã nên trọn”: Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh chính của Người trong cái chết trên Thập Giá chiều nay.

    Chết vì yêu, Chúa Giêsu vì yêu Chúa Cha nên đã dâng mình làm của lễ. Lễ vật yêu thương đó phải làm đẹp lòng Chúa Cha một cách trọn hảo.

    Chúa Giêsu cũng vì yêu thương nhân loại tội tình, nên đã bỏ mình vì phần rỗi nhân loại. Sự chết là một hành trình đi về, đi từ chốn tối tăm sự chết, để bước sang cõi sáng láng trường sinh. Chúa chết đi để vượt qua một giới hạn mà không ai vượt được. Một khi ranh giới đó được vượt qua, chúng ta sẽ được một con đường liền, để thẳng tiến tới cõi sự sống tràn ngập ánh sáng và niềm vui.

    Bởi thế, Chiều nay chúng ta hãy theo sát Chúa từng bước để nhận ra hoan lạc trong đau thương, và thấy nguồn sống trong cõi chết. Đường Thánh Giá tuy là đường đau khổ, nhưng cũng là đường đưa tới chiến thắng vinh quang.

    (Vì không có thánh lễ chính thức, nên nghi lễ chiều nay được gọi là: “nghi thức phụng vụ, tưởng niệm Chúa chịu thương khó”, gồm ba phần):

    1-Phụng vụ lời Chúa.

    2-Suy tôn Thánh Giá.

    3-Hiệp lễ.

    PHẦN I: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Tất cả mọi người thinh lặng cầu nguyện: Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và tội lỗi của toàn thế giới đã làm cho con Chúa chịu chết trên Thánh Giá.

    1- Dẫn trước bài đọc 1: Isaia 52,13-53; 12

    Ngôn sứ Isaia diễn tả Đức Kitô lúc Người chịu thương khó. Người đã tự do nhận lấy hậu quả của tội lỗi chúng ta.

    Cuộc khổ nạn của Đức Kitô không giải thích đau khổ nhưng dạy chúng ta làm thế nào để tìm thấy trong đau khổ sự hiện diện của Đức Kitô và vượt thắng được đau khổ. Người cho chúng ta hiểu rằng: con đường thập giá có thể và phải trở thành con đường đưa đến sự sống.

    2- Dẫn trước bài đọc 2: Dothái 14-16; 5,7-9

    Chúa Giêsu đã sống và chịu một cuộc đời đau khổ với chúng ta. Cũng như chúng ta, Người đã chiến đấu để khỏi phải đau khổ. Nhưng người đã chấp nhận mà không hề có một phàn nàn nào.

    Từ nay bất cứ ai đau khổ sẽ có thể hiệp thông với sự thương khó của Người và thông phần vào sự toàn thắng của Người.

    3- Dẫn trước bài thương khó: Ga 18,1-19,42 (hát Passio)

    Bài thương khó hôm nay nói lên cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Đối diện với sự chết và trước những hành vi của kẻ sát nhân (đại diện là quan tổng trấn Philatô và các thuộc hạ của ông), Chúa cũng cần phải nói, và nói hết sự thật về sứ mệnh của Người, cho dù đó là sự thật dễ mất lòng. Chúng ta cùng thông cảm với Chúa và cùng bước theo Chúa theo đường thương khó này.

    4- Dẫn trước lời nguyện cho toàn thế giới:

    Vì mọi công nghiệp và ơn ích của việc cứu chuộc đều bởi cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá mà ra, nên giờ đây Giáo Hội dâng những lời cầu nguyện để xin Chúa áp dụng những ơn cứu chuộc ấy cho chúng ta.

    5- Lời nguyện cầu cho:

    1-Giáo Hội

    2-Đức Giáo hoàng

    3-Hàng giáo sĩ và giáo dân

    4-Dự tòng

    5-Sự hiệp nhất

    6-Người Dothái

    7-Người ngoài Kitô giáo

    8-Người không tin có Chúa

    9-Chính quyền

    10-Những người đau khổ

     

     PHẦN II: SUY TÔN THÁNH GIÁ

      

    1- Dẫn vào:

    Thánh Giá Chúa, thật là một chiến lợi phẩm oai hùng của Đức Kitô đã khải hoàn sau cuộc chiến đấu vượt thắng sự chết, Ngài biểu lộ tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Chúng ta hãy nghiêng mình kính cẩn và nhận đó là hồng ân của chúng ta.

    Giờ đây, cha chủ tế sẽ dương cao Thánh Giá ba lần, lần đầu ở cuối nhà thờ, lần thứ hai ở giữa nhà thờ và lần thứ ba trên cung thánh, với lời tung hô trầm hùng và xác tín: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian”. Mỗi lần tung hô ở một cao độ khác nhau. Mời cộng đoàn quỳ và đáp:“chúng ta hãy đến thờ lạy”.

    2- Dẫn hôn kính Thánh Giá:

    Thánh giá là biểu hiện tình yêu vô biên của Thiên Chúa: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu hy sinh mạng sống vì người mình yêu”. Việc hôn kính Thánh Giá không chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài, nhưng đòi hỏi phải có một sự gắn bó và liên kết mật thiết của mỗi người với Đức Kitô. Như lời mời gọi của Người: “Anh em hãy vác lấy thánh giá mình mà theo Thầy”.

    Đạo chúng ta là đạo tôn thờ Thánh Giá Chúa. Hình ảnh Thánh Giá này luôn nhắc chúng ta vì tình thương hiến thân tự hủy mà Chúa đã biểu lộ vì ta, nhắc rằng cuộc Thương Khó và sự chết của Chúa là phương thế cứu chuộc ta, mà cũng luôn buộc ta nhớ đến “tội lỗi của chúng ta nặng là dường nào”. Liệu chúng ta có thực sự thuộc số những kẻ mến thương Chúa, tôn thờ Chúa và không đóng đinh Chúa không? Cái hôn giờ đây mỗi người chúng ta sắp đăt lên chân Chúa sẽ là gì? Là cái hôn giả hình, như hành động phản bội của Giuđa, hay là cái hôn, xin lỗi, tin kính, cậy trông, tôn thờ mến yêu?

    Xin Chúa kéo tất cả chúng ta lên gần Ngài, như lời Ngài đã hứa khi xưa: "Một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta" (Ga 12,32).

     

    PHẦN III: HIỆP LỄ

    1- Cầu nguyện hiệp lễ:

    Giờ đây, mỗi người chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Chúa Giêsu dâng làm lễ tế Chúa Cha.

    Hiệp thông vào Mình và Máu ấy, là chúng ta hiệp thông vào một của lễ, thông hiệp vào một hy sinh và thông hiệp vào kho tàng vô giá của ơn cứu độ.

    Giáo Hội đã lập lại cho chúng ta cuộc hiệp lễ ngày hôm nay, cốt để chúng ta kết hiệp cùng của lễ hy sinh của Chúa và để lãnh nhận những ơn ích một cách hiệu nghiệm bởi đó mà ra.

    Vì thế, giây phút này là giây phút mà mỗi người chúng ta cầu nguyện với Chúa một cách thuận lợi và hữu hiệu nhất.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!

    Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.

    Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa, vì tất cả những gì của con đều là của Chúa.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!

    Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng yêu mến Chúa và được ở bên Chúa, vì đó là ước nguyện mãn đời của con. Amen.

    2- Dẫn kết:

    Thời gian từ chiều nay đến tối mai, được coi như một chuyến đi của Chúa xuống ngục tổ tông để đưa linh hồn các thánh xưa về nơi Thiên Quốc.

    Công hiệu của ơn cứu chuộc bao gồm xuyên suốt cả lịch sử tạo dựng: từ thuở tạo thiên lập địa đến nay và cho đến ngày tận thế. Người là Anpha và Ômêga, là (Đầu cội rễ và cùng sau hết).

     

    DẪN NGHI LỄ: THỨ BẢY TUẦN THÁNH

    LỄ VỌNG PHỤC SINH

    Dẫn trước nghi thức:

    Kính thưa cộng đoàn phụng vụ:

    Ý nghĩa việc tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại đạt tới điểm cao nhất trong Đêm Vượt Qua.

    Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải canh thức để đợi chờ Tân Lang đến, vì thế người Kitô hữu dành riêng một phần ban đêm, cho một cuộc họp mừng phụng vụ Đêm Vượt Qua: Đây là đêm Chúa Kitô đập tan xiềng xích tử thần và từ âm phủ khải hoàn vinh thắng. Đây là đêm Giáo Hội ngay từ buổi đầu, vẫn chờ mong Chúa trở lại.

    (Nghi lễ canh thức Vượt Qua đêm nay gồm bốn phần):

    1-Phụng vụ Ánh sáng

    2-Phụng vụ Lời Chúa

    3-Phụng vụ Phép rửa

    4-Phụng vụ Thánh Thể

    (Và giờ đây, để chuẩn bị cho phần phụng vụ Ánh sáng, xin mời vị phụ trách lò lửa tiến đến mồi lửa, và xin tắt hết đèn điện trong và ngoài khu vực thánh đường).

     

    PHẦN I: PHỤNG VỤ ÁNH SÁNG

    1-Dẫn trước làm phép lửa:

    Đêm nay phải là đêm Ánh sáng, vì đêm tối tăm của sự chết đã bị Chúa xua đi.

    Đêm nay phải là đêm vượt qua Biển Đỏ, vì chúng ta mừng cuộc vượt qua nhờ Giếng Rửa tội mà tiến đến bờ cõi trường sinh.

    Đêm nay hơn nữa lại là đêm Chúa sống lại, đêm vui mừng cho cả trời đất, vì Đấng Thiên Chúa làm người đã thắng sự chết một cách vinh quang, đưa lại cho chúng ta nguồn sống bất diệt.

    Nghi thức làm phép lửa, được coi là hình ảnh tượng trưng cho Chúa Kitô Phục sinh, là ánh sáng thế gian. Người đem lửa tình yêu cho nhân loại nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để sưởi ấm vũ trụ và

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook