Các đời Cha xứ

Cha Phanxicô-Xaviê NGUYỄN NGỌC THU (1976-1991)

  • Thứ sáu, 22:51 Ngày 12/08/2016 .
  •  

    10/. Cha Phanxicô-Xaviê NGUYỄN NGỌC THU, cha sở Hạnh Thông Tây (1976-1991)

     ĐÔI DÒNG TỰ THUẬT

    Cha Sở đương nhiệm Clêmentê TRUNG gợi ý tôi ôn lại một số biến cố và sự việc trong thời gian 1975-1991. Cảm ơn Cha đã cho tôi gợi nhớ!

    Khi về nhận nhiệm sở Hạnh Thông Tây được một thời gian, Cha Px. Nguyễn Văn Tam đáng kính bị bịnh ung thư xương và trở nên trầm trọng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi được hân hạnh giúp ngài một thời gian cho đến ngày ngài qua đời thứ hai 24/11/1975 và được chôn cất tại nghĩa trang Chí Hòa.

    Tôi được ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm “Quyền Chánh sở họ Hạnh Thông Tây” ngày 26 tháng 11 năm 1975. Và được Ông Chủ tịch Ấp III và Chủ tịch Xã Thông Tây Hội lúc đó chấp thuận.

    Họ đạo Hạnh Thông Tây từ ngày thành lập đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được coi sóc bởi các Cha sở lớn tuổi, ngoại trừ Cha sở Phêrô Trần Văn Thông, Cha sở trẻ tuổi trong một thời gian ngắn (1959-1961). Tôi từ giã họ đạo Gò Vấp, và chánh thức nhận nhiệm sở mới Hạnh Thông Tây. Lúc ấy tôi mới 34 tuổi, dịp lễ Giáng Sinh.

    Trong bối cảnh đổi thay thời cuộc, tôi cảm thấy nhiều khó khăn trong cuộc sống mới. Tôi tự đề ra tiêu chuẩn căn bản: Ổn định đời sống đức tin cho bà con giáo dân và tìm cách hướng dẫn giới trẻ. Với ý nghĩ ấy, tôi cùng anh chị em bà con giáo dân đồng hành…

    I. Về đất đai :

    Họ đạo Hạnh Thông Tây có nhiều đất đai. Riêng khuôn viên nhà thờ chiếm khoảng 2 mẫu (2ha) gồm nhà thờ, nhà xứ, trường học và một số nhà giáo dân. Nên vấn đề đi lại rất “tự do, thoải mái…”.

    Sau  ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì nhiều lý do, nhà xứ được rào lại với những làn dây kẽm gai khoảng nửa mẫu (nửa héc-ta). Và nhà thờ lúc ấy đã được rào sơ với những cây sắt “ấp chiến lược” đính sơ sài vào các cây cột xây cao khoảng 60cm. Bên trong hàng rào nầy là những mảnh đất trồng rau cải, vì “Lao động là vinh quang”.

    Tình hình nầy không kéo dài mãi được, vì tiếng xe cộ qua lại thường xuyên quanh nhà thờ, vì “mùi phân hữu cơ” tưới rau khó ngửi, vì nhiều cặp mắt thèm muốn có những sân bóng chuyền, bãi tập dưỡng sinh, tập thể dục… quanh nhà thờ.

    Nhà thờ phải có một khuôn viên biệt lập với bầu khí linh thiêng, thờ phượng, nguyện cầu. Ý định nầy được sự nhất trí của Ban Quới Chức họ đạo. Ông Ruy là người nhiệt tình cung cấp ximăng, thợ và một số vật tư để xây dựng tường rào. Và nhà thờ bấy giờ phải cắt đi một số đất để làm đường đi vào khu xóm sau nhà thờ như đường đi sau đài Đức Mẹ, đường đi băng ngang trước trường học và nhà xứ.

    Công trình xây tường bao quanh nhà thờ được mọi người hưởng ứng và góp tay: từ một em bé khiêng gạch đến các cô, các bác, các chú xây cất… Tài chánh họ đạo rất eo hẹp trong thập niên 80!!! Thật cảm động khi nhìn lại các hình ảnh!!

    Cở sở cơ khí Quang Minh của Ông Sáu Cẩn dâng 2 cửa sắt lớn sau nhà thờ và các khung lưới B40 nâng cao tường mặt tiền nhà thờ. Phần thi công, đáng ghi nhớ là quý Ông Năm Danh, Ông Hai Bông, Ông Hai Hạnh, Ông Hai Thấy.

    Không nên để đất trống trong khuôn viên. Một số cây dừa được nhập cảng từ Lương Hoà Thượng do gia đình Ông Năm Nhứt hướng dẫn và trồng trên thửa đất phía lầu chuông. Và phía bên kia trồng những cây bạch đàn để tạo bóng mát, và sân chơi cho các bạn trẻ họp mặt, nô đùa, không chỉ dành cho họ đạo mà thôi, mà còn hướng tới cấp hạt khi có dịp!!!

    Sau công trình xây tường nhà thờ là công trình xây tường nhà Cha sở với diện tích 5000m vuông. Công trình nầy do anh Chính và ông anh của anh Chính thực hiện khi ấy là ca viên của nhà thờ. Cả công trình lót gạch tàu sân nhà Cha sở. Các chuồng heo, chuồng bò trong khuôn viên nhà Cha sở cũng được cải tạo lại, trùng tu lại thành nhà kho, lớp học giáo lý, nhà ở cho các em dự tu…

    Một biến cố đáng ghi nhớ cho nhà Cha sở: Ngôi nhà cổ kính nầy thường xuyên bám đầy “những con đậu đen” (rục rịch), thế mà thập niên 80, “thần sấm sét” đã viếng vào buổi trưa khoảng 13g00 khiến chóp đỉnh nhà phía rẩy: đà lớn giữa bị tét, ngói tây dày bị văng tung toé, một mảnh tường lớn bị đổ, dây điện đứt lung tung… Trên sàn nhà, trên giường ngủ Cha sở đầy những cục đá, mảnh tường, dây điện… May thay, Cha sở trưa hôm đó đang trú mưa ở “Ngả năm chuồng chó”, hoảng sợ tiếng sấm sét nầy và… cầu nguyện cho “một ai đó” được tai qua nạn khỏi.

    Và những biến cố “đau tim” khác khó quên: từ 1975-1985, nhà Cha sở được “xét nhà” vào giữa khuya khoảng 11g00 khuya - 1 giờ sáng: trên dưới 4 lần, như đêm thứ sáu ngày 03/02/1978.

    Trở về về khuôn viên nhà thờ, sau khi xây tường bao, cùng với HĐMV và anh em giáo dân, chúng tôi thu dọn một đường đất bằng phẳng để rước kiệu Đức Mẹ và Mình Thánh Chúa trong năm, vòng theo chu vi khuôn viên nhà thờ.

    Giữa thập niên 80, chúng tôi đã trùng tu lại đài Đức Mẹ để đọc kinh và dâng lễ tôn kính Mẹ Maria trong mỗi thứ bảy và các ngày lễ Đức Mẹ như lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12), lễ Đức Mẹ Fatima (13/10). Đài nầy do Cha Cố Anrê Đại xây để dâng kính Đức Mẹ Fatima cách riêng.

    Đài Thánh Giuse phía sau nhà thờ do Cha Micae Học thiết lập để tôn kính cách riêng Thánh Giuse và được quý trọng như vị thánh Bổn Mạng của họ đạo, sau Thánh Denis. Chúng tôi đã trùng tu lại nhiều lần để dâng kinh mỗi sáng thứ tư và dâng thánh lễ dịp lễ Thánh Giuse 19/3. Ông Sáu Lễ có công nhiều trong việc coi sóc đài Thánh Giuse nầy. Tượng Thánh Giuse nơi đây được cung nghênh từ nhà thờ cũ (ở chợ Hạnh Thông Tây cũ). Chính Cha già Matthêu Đức đã cho tượng nầy đeo “một đải ăn xin” để xây cất nhà thờ mới. Và Ông Bà Lê Phát An đã phát hiện và đã xây cất thánh đường nầy.

    Trường Tiểu học Hoa Mai gồm 5 phòng: trên lầu có 3 phòng lớp, tầng trệt có 2 phòng lớp. Theo thông báo của Toà Tổng Giám Mục, tôi đã ký giấy hiến 5 phòng lớp nầy (không hiến đất) cho Quân Quản để lo cho học sinh nghèo. Thêm vào đó là 10 Căn phố đối diện với chợ Hạnh Thông Tây cũ cũng được dâng hiến cho Quân Quản vì không có tiền nộp thuế cho Quân Quản (chính phủ) tình từ năm 1960 theo yêu cầu của họ.

    1/. Nghĩa Trang họ đạo Hạnh Thông Tây.

    Nghĩa trang nầy nằm dọc theo đường Quang Trung (P.10) với diện tích hơn 1ha (10.000m2). Nhiều người được chôn cất tại đây từ khi có họ đạo. Nghĩa trang được cải tạo, san bằng (không có bàn hỏi trước, cũng không có giấy tờ). Các ngôi mộ được “bốc đại trà”. Ngoài ra, theo “Bằng Khoán”, họ đạo còn có những lô đất khác sau ở nhà thờ, ở P.10, và bên kia cầu “Bến Phân”.

    b/. Sân Nhà thờ.

    Cuối thập niên 80, chúng tôi có chương trình tu bổ lại sân nhà thờ: phần trước nhà thờ: lớp nhựa theo thời gian bị sói mòn, đá xanh nhô lên lởm chởm, cỏ mọc bừa bãi; phần sau: nước chảy dốc, sói mòn mặt đường, đá ong lởm chởm…

    Công trình đổ nhựa đường do Ông Tư thuộc Xóm Chợ đảm trách, thi công, vì trước đây Ông Tư làm nghề “Lục lội cầu đường”. Khởi công từ Thứ sáu (01/10/1991) đến Thứ 7 (12/10/1991).

    Công trình đổ bê tông phần sau do Anh Sáng thi công, đảm trách với anh em trong gia đình như anh Có, anh Lợi…. Khởi công từ Thứ hai (16/9/1991) đến Thứ năm (10/10/1991)

    Công trình này được tài trợ do cơ quan “Secours Catholique” Pháp, với số tiền thay vì “phục chế” lại bức tranh đồi Calvê ở trần Cung Thánh bị trốc loang lổ. Bức tranh như “Mosaque” tuyệt đẹp, đầy nghệ thuật, nhưng không nghệ sĩ nào lúc bấy giờ có thể “phục chế”. Nên theo ý ĐGM phụ tá Luy Nẫm, chúng tôi dùng số tiền nầy cho công trình làm đường nhựa khuôn viên nhà thờ.

    Về con đường vô xóm làng 

    Sau khi di dời “chợ tự phát” trước mặt nhà “cô Tám gà” và nhà “ông Hai Tý” do UBND Phường 11 gợi ý. Họ đạo cộng tác làm bê tông con đường đổ dốc từ đầu nhà thờ đến ngã ba trước nhà Ông Tư Tấn, vì con đường này lởm chởm đá ong, đi xe đạp đã khó, người đi bộ càng khó hơn, nhất là đối với người lớn tuổi. Con đường nầy được thực hiện giữa thập niên 80.

    2/. Về Ngôi nhà thờ :

    Đây là một công trình kiến trúc cổ thờ trung cổ, đầy màu sắc tôn giáo, rất có giá trị không những về mặt kiến trúc, mỹ thuật, cả những vật liệu xây cất như : đá cẩm thạch, sơn ,vôi, gạch… Cả những đồ phụng tự rất quý giá: chân nến bằng đồng, thánh giá bằng đồng thật…

    Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta một ngôi nhà thờ quý giá như thế !

    Và cảm ơn ông cha chúng ta ra sức gìn giữ trong thời ly loạn chiến tranh để được như ngày nay. Hãy đến mà xem!!! Những pho tượng to lớn bằng cẩm thạch, những “phù điêu” công phu, sắc nét bằng cẩm thạch, nhứt là hai ngôi mộ to lớn chạm trổ đầy ấn tượng bằng cẩm thạch….

    Và như vậy, chúng tôi cũng hết sức gìn giữ, tu bổ:

    - thay thế các cây đà, mẻ, “rouille” trên mái nhà.

    - quét vôi toàn bộ bên ngoài 2 lần

    - quét vôi và sơn dầu các vách tường bên trong 1 lần.

    - thay thế các ô kiến bể….

    Tuy phương tiện và tài chánh rất thiếu thốn, nhưng chúng tôi cố gắng làm….và làm được!!! Ở đây, phải nói đến Ông Năm Trọng, con người tầm vóc tuy nhỏ bé, nhưng rất nhiều sáng kiến và… nghị lực, can đảm.

    Chúng tôi cũng dùng cây gỗ “Giáng Hương” nhà (Sọ Khỉ) để đóng một bậc sàn trên cung thánh để dâng lễ quay xuống, cũng như đóng một toà giảng, các bực cho ban hát trước bàn thờ Đức Mẹ, hai toà giải tội… Ông Chín Thành là thợ mộc tài ba của các việc nầy.

    Nhà thờ cũng có một gác đàn dành cho ban hát, nhưng theo Phụng vụ mới, ban hát phải dời xuống các bậc gỗ trước bàn thờ Đức Mẹ, và gác đàn được dùng để các hũ cốt.

    3/. Về mục vụ

    a). Hội Đồng Mục Vụ :

    Trong thời gian đầu từ 1975-1980, chúng tôi cùng làm việc với Ban Quới Chức gồm: Ông Trùm Tỵ, Ông Câu Chín Công, các Ông Biện như Ông Tư Quan, Ông Năm Trọng, Ông Bảy Tý, Ông Chín Gioan, Ông Năm Đắc…

    Khoảng năm 1980, họ đạo thành lập Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ với 7 khu xóm từ chợ Hạnh Thông Tây (cũ) đến Chợ Cầu (P.12), với các danh hiệu Đức Mẹ để nhờ Mẹ Maria phù trợ:

    1. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

    2. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    3. Đức Mẹ Mông Triệu (Hồn Xác lên trời)

    4. Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

    5. Nữ Vương Hoà Bình

    6. Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

    7. Đức Mẹ Fatima

    Với danh sách quý Ông Ban Đại Diện: Ông Chín Lộc, Ông Chín Công. Ông Sáu Lễ, Năm Lợi, Hai Lầu, Ông Dũng, Hai Lễ, Đào, Hai, Năm Trọng, Bảy Tý, Chín Thành, Hai Hạnh, Hai Thấy, Năm Đắc, Hai Nở, Bảy Rẫy, Năm Danh, Hai Bông, Hai Sang, Ông Hiền, Chín Gioan, Ruy, Ty,

    Ngoài công việc mục vụ thường xuyên lễ lạc, giáo lý, thăm viếng bệnh nhân… chúng tôi còn mời ĐGM hằng năm về thăm viếng họ đạo và ban BT Thêm Sức cho các em.

    Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc Tĩnh Tâm cho từng nhóm như Hội Đồng Mục Vụ, Ban Giáo Lý Viên, các ca đoàn,v..v, đặc biệt cho toàn họ đạo trong các Mùa Vọng, Mùa Chay với quý cha khách giảng phòng đi đôi với quý cha khách giải tội dịp lễ Giáng Sinh - Phục Sinh.

    b). Về Ban Giáo Lý Viên

    Một số các bạn trẻ thiện chí được tập hợp lại thành tâm giúp giáo lý các thiếu niên, thiếu nhi. Nhóm nầy được đào tạo tại chỗ và trở thành Ban Giáo Lý Viên của họ đạo từ năm 1977.

    Các anh chị khăn khít với nhau từ đó đến giờ như chị Lộc, chị Sự, chị Hoa, chị Vẻ, chị Khanh, chị Thuý, chị Nga, chị Xuân, chị Hiệp, chị Kim, chị Cảnh, chị Bình, chị Trang, chị Huệ, chị Đào, chị Tuyến… thầy Hiền (Cha Hiền, cha sở Nam Hưng), anh Công, anh Châu, anh Hải, anh Tòng, anh Thọ, anh Thành…

    Nhóm GLV nầy ngoài việc giúp dạy giáo lý các em, còn tổ chức các buổi sinh hoạt, trò chơi lớn tại chỗ hay đi dã ngoại như núi Bửu Long, đồng quê Don-Boscô Cầu Bông…

    Từ đây các mầm ơn gọi được nẩy nở… và hiện nay được gọi chọn có Linh Mục Giuse Thọ, nữ tu Têrêsa Trang… Cùng nhau Tạ ơn Chúa!!!

    c). Về các ca đoàn

    Từ năm 1975, chỉ có ca đoàn nhỏ Têrêsa do Dì Ba Hải phụ trách. Dần dà thành lập thêm ca đoàn Cêcilia cho các bạn trẻ nam nữ do chị Hai Nguyệt, chị Bền, cô Mai, cô Phượng, chị Thuý phụ trách. Sau đó, anh Phần qui tụ được một số giọng nam, và ca đoàn Giuse ra mắt chào đời.

    Nói đến ca đoàn, một biến cố khó quên: cả ca đoàn Cecilia thời cô Mai phụ trách phải mừng Lễ Giáng Sinh và Tết Tây trong “Hương Xưa”, nơi tạm giam tù chánh trị ở Gò Vấp năm 1978, vì…

    Và như thế đã nếm được “mùi muỗi chích” “mùi tù”, Tội nghiệp lắm thay!!!

    d). Và các đoàn thể khác:

    1. Nhóm Dòng Ba Camêlô

    Nhóm nầy do Bà Bảy Dung gầy dựng và hướng dẫn. Bà là cựu tu sĩ Carmêlô Sàigòn. Bà giúp các bà và chị em sống đức hạnh tốt đẹp, vững chắc như bà Ba Rỉ, chị Sự, chị Hoa, chị Hùng, Bà Hai, bà Tư...

    2. Nhóm “Matta giúp kẻ liệt”

    Gồm một số ông bà lớn tuổi theo Cha sở hầu Mình Thánh Chúa giúp bệnh nhân và tìm cách giúp đỡ bệnh nhân chuẩn bị lãnh các Bí Tích sau hết: Giải Tội, Xức Dầu Bệnh Nhân, Mình Thánh Chúa. Phải nhắc đến gương ông bà Hai Thanh, bà “Tuyết Lai”, mẹ chị Hiệp…

    Ngoài ra, mỗi khi có tang lễ, họ kêu gọi nhiều người họp mặt cùng thân nhân, khu xóm cầu lễ tại gia và tham dự thánh lễ an táng cầu nguyện cho người qua đời.

    3. Nhóm các em giúp lễ

    Một số các em cũng được chọn và mời gọi giúp lễ. Đa số là các em đang học giáo lý. Tuy không thành một tổ chức, nhưng các em cũng được quan tâm, hướng dẫn để giúp lễ và giúp cộng đoàn tham dự thánh lễ sốt sắng, nhất là trong các dịp lễ lớn như “Giáng Sinh”, “Phục Sinh”, rước ĐGM về thăm viếng họ đạo và ban Bí tích Thêm Sức, cũng như những cuộc Rước Kiệu Đức Mẹ, Mình Thánh Chúa...

    4. Các ông Từ

    Nói đến nhà thờ, không ai là không nghĩ đến các ông Từ. Trong thời gian dài 16 năm đầy khó khăn, đây là những người chăm sóc nhà thờ: Ông Từ Yến, Ông Từ Trên (c), Ông Từ Hoàng. Và bao công việc, biến cố khác đã xảy đến:

    - các cuộc Tĩnh Tâm của quý Cha trong hạt Gò Vấp

    - mừng thọ ĐTGM Phaolô Bình và Đức Cha Phụ Tá Luy Nẫm 80-70 tuổi ngày 13/7/1990

    - hàng tháng đến dâng lễ tại nhà nguyện Vinh Hiệp P.12 và ngày Chủ Nhật 03/02/1991, khánh thành Cung Thánh Vinh Hiệp

    Và trước khi kết thúc, xin mọi người cùng tôi TẠ ƠN CHÚA về mọi ơn lành Chúa đã ban cho trong thời gian dài nầy, cũng như TẠ TỘI vì những thiếu sót, lỗi lầm.

    Cũng xin cảm ơn mọi giáo dân thời ấy đã cộng tác và đã cùng tôi hành trình vượt qua mọi gian lao, và cũng xin bỏ qua những gì tôi còn thiếu sót làm phiền mọi người.

    Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành và ban ơn cho chúng ta

     

    Bài viết khác liên quan

    Phục vụ lời Chúa

    Sun
    Mon
    Tue
    Wed
    Thu
    Fri
    Sat
    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    Kết nối facebook