Khi Phêrô và Phaolô nằm xuống, Phêrô khoảng năm 64 và Phaolô năm 67, có lẽ Nêron đã cười hả dạ, bởi nghĩ rằng mầm mống đạo Công giáo đã bị tận diệt,. Có ngờ đâu chính lúc ấy lại là lúc đạo Chúa Kitô vươn lên và lớn mạnh hơn bao giờ. Như hạt lúa vùi sâu trong ruộng cho cây lúa trổ sinh. Như móng nền cắm sâu trong lòng đất cho tòa nhà Giáo hội xây cao, cao mãi. Trên nền tảng Phêrô-Phaolô ấy bộ mặt thế giới đã biến đổi. Các ngài là những vị thánh làm biến đổi thế giới.
1. Nhưng trước khi biến đổi thế giới, Phêrô và Phaolô là những người được Chúa biến đổi.:
Phêrô, sau lần tuyên xưng đức tin “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” ở đỉnh cao của ơn thánh đã được Chúa Giêsu đổi tên từ Simon sang Kêphas, phiên âm là Phêrô nghĩa là Đá tảng. Giã từ tên cúng cơm cha mẹ cho để nhận lấy tên mới và một sứ mạng mới. Theo quan niệm Do Thái, tên tức là người, người sao tên vậy; đổi tên là đồng nghĩa với đổi cả con người, đổi đời, đổi cuộc sống, đổi vận mạng … Quá khứ là chài lưới cá, tương lai là chài lưới người. Hôm qua là con thuyền nhỏ dông duổi trên hồ, hôm nay là chiếc tàu lớn xuôi ngược đại dương, chất cả Giáo hội trên mình. Phêrô đã được Chúa Giêsu biến đổi.
Phaolô, sau biến cố Damas cũng thế, ông khai tử tên Saolô để nhận lấy một tên mới là Phaolô. Quên đi những tháng ngày tác oai tác quái bách hại Giáo hội, quên đi những ồn ào tham vọng trên cao, quên đi những hung hăng một thời trai trẻ, quên đi quá khứ lầm lỗi gắn liền với tên gọi Saolô, để chỉ nhớ một tên gọi mở ra cả sứ mạng tiền đồ Giáo hội: tên Phaolô. Với tên mới này ông vào sa mạc tĩnh tâm 3 năm, bằng tên mới ông lên Giêrusalem gặp Phêrô, và trong tên mới ông nhận lấy trách nhiệm hành trình rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại. Phaolô đã được Chúa biến đổi.
Thưa anh chị em.
Mỗi người chúng ta cũng đã được Chúa biến đổi. Do việc xức dầu của Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta đã được biiến đổi thành những người mới, những người con cái của Cha, trong gia đình của Cha là Giáo Hội Mỗi người chúng ta cũng nhận một tên mới : Phêrô, Phaolô, Giuse Đaminh…để được gọi là kitô hữu, là người thuộc về Chúa Kitô, được tham dự vào chức tư tế của Ngài, để hiến dâng lễ tế cuộc đời mình với lễ tế do linh mục hiến dâng trên bàn thánh.
Rồi trên cơ sở là kitô hữu, một số người đã được Chúa tuyển chọn, do việc Thánh Thần xức dầu lần thứ hai trong bí tích Truyền chức, để biến đổi thành những linh mục của Chúa Kitô, họa lại nguyên hình một Chúa Kitô khác (Alter Christus) mang con tim mục tử mhân lành, đế yêu thương và chăm sóc đàn chiên của Chúa. Yêu đến hiến mạng vì đàn chiên. (x. Ga 1-19) Và còn được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, chữa lành những người ốm đau, bệnh tật, đem ánh sáng đến cho những người mù lòa tăm tối, giải thoát những người bị áp bức, lao tù (x.Lc 4,18-19). Vì thế, Thánh Augustinô đã nói với giáo dân : “Với anh chị em, tôi là kitô hữu. Cho anh chị em, tôi là linh mục, Giám mục.”. Tôi là Linh mục là vì anh chị em, cho anh chị em.
Thưa anh chị em,,
2. Nhìn lại quá trình biến đổi của Chúa Giêsu với hai tông đồ Phêrô và Phaolô, qua việc đổi tên, chỉ thành công khi tự chính bản thân của các ngài đã có một sự đồng tình, đã có một nỗ lực tự biến đổi ngày ngày, qua những trui rèn thử luyện không thiếu của đời và của đạo. Phải đối chiếu hai quảng đời trước và sau Phục sinh mới thấy được sự biến đổi lạ lùng nơi Phêrô. Thay vì lo sợ, lại một dạ can trường, thay vì dốt nát, lại đâm ra lợi khẩu, thay vì then cài khóa ổ, lại bung ra đi lại chẳng sợ ai cả, đánh đòn lại lấy làm vui, xích xiềng lại thấy an tâm và đến chết cũng vẫn trơ gan vàng đá. Rõ ông là “Tảng Đá Phêrô”.
Và Phaolô cũng thế, đối chiếu hai quãng trước và sau biến cố Damas mới thấy quả là lạ lùng. Biến đổi toàn diện. Xoay 180 độ. Thay vì ghét đạo lại đâm ra yêu mến, yêu hơn cả những người khác nữa chứ. Thay vì phi bác lại trở thành tuyên truyền rao giảng, cả tiếng và nổi tiếng hơn cả những tông đồ chính quy. Thay vì đi bắt bớ tín hữu lại tự nguyện để bị bắt giữ với cương vị kẻ tin, để rồi đi đến cùng đường là chết cho đạo Chúa.
Theo gương hai Thánh Phêrô và Phaolô, các linh mục của Chúa cũng phải nổ lực tự biếb đổi từng ngày, để sống hết mình với chức năng và sứ vụ đã được Chúa trao phó. Phải sống gắn bó với Chúa bằng tình yêu không thể chia lìa, như Phaolõ :”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của của Đức Kitô?” (Rm 8,15). Đối với linh mục, Đức Kitô phải là “người yêu” và “người tình” đến nỗi có thể thốt lên như Phaolô :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). Gắn bó với Chúa là để được sai đi hy sinh phục vụ anh chị em. Vì tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ. là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc, và lời tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời này là :”Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Này là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em”. Linh mục không chỉ lặp lại lời này suông, mà phải đồng hóa chính mình với những lời ấy, có nghĩa là : Này là thời giờ của tôi, sức lực của tôi, tim óc của tôi, xin trao tặng cho anh em. Này là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho anh em. Thật đúng như Cha Antoine Chevrier đã nói: ”Linh mục là người bị ăn” (Prêtre, c’est un homme mangé”), Sức lực, thời giờ, tài năng của linh mục như tấm bánh bị bẻ ra từng mảnh, bị gặm nhấm, ngấu nghiến, nhai nuốt, vì sự sống của anh em mình.
Hiểu như thế, nên bà mẹ của Thánh Gioan Boscô đã nhắn nhủ con mình :”Con ơi, mỗi lần bước lên bàn thánh, con nhớ rằng con đang bước lên thập giá để chịu đóng đinh với Chúa Kitô đó con!”. Và Mẹ Têrêsa Calcutta luôn nhắc nhở các linh mục :”Linh mục của Chúa, hãy cử hành Thánh lễ này như Thánh lễ dầu tiên, như Thánh lễ cuối cùng và như Thánh lễ chỉ cử hành một lần duy nhất trong đời”.
Mỗi lần đọc lại đoạn Tin Mừng (Ga, 21,19) với 3 lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô :”Simon. Con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Hai lần ông đáp :”Thưa Thầy, Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Lần thứ ba ông thưa : “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta luôn tuôn trào xúc động trước tình yêu Chúa dành cho ông và lòng mến ông đáp lại Chúa, khiến Chúa Giêsu bảo ông 3 lần :”Hãy chăm sóc chiên con…chiên mẹ…của Thầy”. Vì có yêu mến Thầy thì mới yêu các chiên của Thầy.
Đây rồi, Chúa cũng sẽ hỏi Cha Phêro Mai Lâm ( Ngài hỏi bằng tiếng Ý ) : “Pietro Mai Lâm ! M’ami tu ?”
Và Cha Phêro chắc chắn sẽ trung thành khẳng định với Chúa từng ngày: “Si,Signore, Tu conosci che io T’amo”. (Phải thế không cha ?)
3. Để kết thúc, con xin mượn lời ĐGH.Phanxicô nhắc nhở các tân linh mục, nhân Thánh lễ tạ ơn đầu tiên của Tân Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Mai Lâm, cũng như mừng tuổi thôi nôi linh mục của cha Phó Đaminh và mừng 31 tuổi xuân linh mục của Cha Sở Giuse và cũng là lời ngỏ chung với tất cả các linh mục ở bất cứ độ tuổi linh mục nào. ĐTC nói : “ Các con thân mến, các con tiếp tục lễ hy sinh của Chúa Kitô. Qua tác vụ của các con, qua đôi tay các con, những hy sinh thiêng liêng của các tín hữu sẽ nên hoàn thiện, bởi lẽ những hy sinh ấy kết hiệp với hy tế trên bàn thờ trong mầu nhiệm thánh.
Bây giờ các con đã biết điều phải làm: Đó là noi gương chính những gì các con cử hành, đó là tham dự vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa, để chết đi cho tội lỗi của bản thân và để bước đi với Chúa trong sự sống mới. Nếu một linh mục học nhiều về thần học và có nhiều bằng cấp, mà chưa học vác Thập giá Chúa Kitô, thì chưa phải là phục vụ. Người đó có thể là một học giả tốt, có thể là một giáo sư tốt, nhưng người ấy không phải là một linh mục tốt.”
ĐTC nói tiếp : “Các con hãy biết rằng mình được chọn giữa bao người và dân Chúa đang mong đợi bao điều đến từ Thiên Chúa. Các con hãy thực thi chức linh mục của Chúa Kitô trong tình bác ái và niềm vui chân thành. Hãy vui tươi, đừng bao giờ buồn. Vui lên các con. Hãy vui niềm vui phục vụ của Chúa Kitô, cho dù giữa những đau khổ, hiểu lầm và ngay cả tội lỗi. Các con hãy luôn nhìn vào gương mẫu của Đấng là Mục tử nhân lành, Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ.”
Kính thưa quý Ông Bà Anh Chị Em thân mến,
Phêrô-Phaolô mãi mãi như một kinh nghiệm của hành trình biến đổi: sau khi đã được Chúa biến đổi, hãy tiếp tục biến đổi mình luôn, để có khả năng vốn liếng mà biến đổi anh chị em “không ai có thể cho cái mình không có”. Biến đổi đời mình để biến đổi cuộc sống anh chị em và biến đổi cuộc sống anh chị em lại thêm biến đổi mình. Và cứ thế, như vết dầu loang, sẽ thành biến đổi thế giới.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con không hiều tại sao Chúa chọn Phêrô,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.?
Tại sao Chúa lại gọi Phaolô, một người bắt đạo
đi làm tông đồ dân ngoại ?
Tại sao Chúa còn chọn gọi những con người mỏng dòn,
dễ vỡ như bình sành, để làm những linh mục của Chúa?
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh,
trên những con người yếu đuối,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa,
sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối,
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh
của Phêrô và Phaolô,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen
Thứ tư, 09:31 Ngày 22/03/2023 .
Chủ nhật, 11:23 Ngày 25/12/2022 .
Thứ ba, 10:41 Ngày 28/06/2022 .
Thứ hai, 16:32 Ngày 18/04/2022 .
Chủ nhật, 19:37 Ngày 06/03/2022 .
Thứ ba, 14:41 Ngày 04/05/2021 .